Kem Sài Gòn từ lâu đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người. Nói tới 3 tiếng: Kem Sài Gòn người ta thưởng nhớ tới sự tươi ngon, vị kem mát lịm, thanh ngọt, bùi bùi của các loại trái cây hay đậu phộng, bánh ăn kèm. Nó còn là niềm nhớ thương cho những người còn xa xứ.
 
Kem từ dân dã tới hiện đại vẫn ẩn chứa trong nó bao kỷ niệm. Ở Sài Gòn có những quán kem mới toanh mang phong cách Châu Âu hiện đại, nhưng cũng có những quán kem tuổi đời ngót nghét với tuổi của thành phố mang tên Bác từ khi độc lập. Trong đó phải kể tới 2 quán kem lâu đời nhất là Bố Già và Bạch Đằng.
 
1. Kem Bố Già
 
Đây là một thương hiệu kem có từ rất lâu tại Sài Gòn, có người nói nó xuất hiện từ trước khi thành phố này được giải phóng (năm 1975). Đây là một điểm đến được rất nhiều người dân yêu thích vị kem của Sài Gòn tìm tới. Nó cũng là một điểm để người Sài Gòn giới thiệu với bạn bè phương xa khi tới du lịch.
 
Người ta tìm tới đây bởi nhiều lẽ, đầu tiên là sự tò mò từ cái tên nghe rất giống... xã hội đen, làm nhiều người liên tưởng tới một băng nhóm mafia nào đó... làm kem! Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn trái ngược và khiến cho bạn rất thích thú khi biết.
 
Chẳng là chủ quán kem là một người đàn ông trung niên, có bộ dâu, diện mạo khá giống với Marlon Brando – nam diễn viên trong vai diễn huyền thoại Don Vito Corleone, phim Bố Già.
 
Chân dung chủ quán kem "Bố Già".
 
Không những thế, ông còn là người rất mê sách, trong đó có nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, tất nhiên không thể thiếu cuốn Bố Già. Đến quán, ngoài những món kem ngon với giá khá mềm (từ 17.000 đến 26.000 đồng/ly), bạn còn được đọc sách miễn phí với rất nhiều loại từ văn học tới lịch sử, địa lý... Đây còn là điểm hẹn, điểm dừng chân của rất nhiều du khách lần đầu tới với thành phố mang tên Bác.
 
Không gian quá giản dị, gần gũi.
 
Thương hiệu kem Bố Già được đăng ký bản quyền vào năm 1994 sau khi chủ quán mất. Ở đây có rất nhiều loại kem ngon, đặc trưng của Sài Gòn. Ban đầu là những cây kem chuối, kem đá cứng dân dã dành cho học trò. Sau này, khách đông, nhu cầu nhiều hơn, quán sáng tạo rất nhiều loại kem ngon, hương vị thơm mát như kem xoài, kem dừa, kem rượu nhum, kem dâu, kem sữa chua, kem sầu riêng...
 

Có rất nhiều hương vị kem cho bạn chọn lựa.
 
Có 3 địa chỉ của kem Bố Già: Ngô Đức Kế - Phường Bến Nghé - Quận 1 - Tp.HCM, đường Nguyễn Văn Trỗi, Q. Tân Bình.
 
2. Kem Bạch Đằng
 
Tuổi đời "trẻ" hơn kem Bố Già khoảng 10 năm, kem Bạch Đằng cũng là một địa chỉ quen thuộc với nhiều người yêu hương vị kem trái cây tươi ngon ở Sài Gòn. Nếu kem Bố Già có vẻ như hơi già dặn như chính tên của quán kem thì kem Bạch Đằng lại khác hẳn, nó thể hiện chất sôi nổi, trẻ trung trong đó, phù hợp với những bạn trẻ tuổi, ưa không khí sôi động.
 
 
Điểm đặc biệt, kem Bạch Đằng thường đường sản xuất ngay trong ngày, chứa đựng rất nhiều trái cây tươi, quán cũng ít sử dụng các loại chất phụ gia, chất tạo ngọt, chua, thơm nhân tạo mà chủ yếu là hương vị tự nhiên của chính các loại trái cây đặc sản của miền Nam.
 
 
Kem Bạch Đằng tươi ngon bởi nhiều trái cây đặc trưng của vùng Nam bộ.
 
Kem Bạch Đằng có 6 mùi thơm cơ bản: dừa, dâu tây (strawberry), cafe, sầu riêng, khoai môn, dứa để tạo mùi và màu sắc. Kem Bạch Đằng lấy nước cốt dừa, loại trái cây đặc trưng Việt Nam làm nguyên liệu chính. Từ 6 vị kem cơ bản, quán đã chế biến ra nhiều loại kem khác nhau như: kem si-rô, kem ca cao, kem cam, kem Eskimo, kem mặt trời, kem trái dừa…
 
Kem Bạch Đằng có giá cao hơn những quán kem bình dân khác, tùy theo từng loại mà có giá từ 25.000 đồng tới 80.000 đồng. Tuy nhiên, ưu điểm của quán là ly kem to hơn hẳn và chắc, không dễ bị tan chảy. Vì vậy mà quán luôn thu hút được khách từ khắp nơi tìm đến.
 
Không chỉ khách du lịch mà nhiều người dân thành phố Sài Gòn cũng thích tới quán kem nhộn nhịp này, thưởng thức ly kem mát lạnh giữa ngày nóng bức và ngắm phố xá sôi động.
 
 
Hiện tại ngoài cửa hàng nhỏ, xuất hiện đầu tiên ở góc ngã tư Lê Lợi - Pasteur, còn có 1 cửa hàng khá sang trọng, rộng nằm ngay gần địa điểm cũ. Nếu muốn ngồi ngắm cảnh bạn có thể vào cửa hàng to, nhưng nếu muốn ăn nhanh thì nên ghé vào cửa hàng đầu tiên.