Làng triệu phú dừa sáp Cầu Kè tỉnh Trà Vinh, một quả dừa sáp bằng 70 quả dừa thường, đến Trà Vinh mà không thưởng thức dừa sáp thì đúng là phí cả chuyến khám phá Tây Nam Bộ... Đó là những thông tin tôi được được nghe nhiều người nói về thứ dừa rất đặc biệt này.
Tìm hiểu kỹ hơn, tôi khám phá ra rất nhiều điều thú vị về quả dừa trứ danh đất Trà Vinh này. Đầu tiên phải giải thích qua đôi chút về tên dừa sáp. Đó là một giống dừa sống trên đất Trà Vinh, nơi mà nhiều người nói dừa ngon và đúng chất nhất là ở Huyện Cầu Kè trong tỉnh.
Dừa sáp rất dày cùi, ngoài lớp cơm dừa giống như dừa bình thường, dừa còn có một lớp "sáp" chính là lớp cơm dừa dày ra "hút" lấy nước dừa tạo thành sáp xôm xốp, deo dẻo. Có những quả dừa sáp khi bổ ra lớp cơm trắng ngần lan hết quả dừa, chỉ còn sót lại một ít nước sền sệt y như quả dừa xiêm người ta làm thạch.
Thực ra nếu nhìn bằng mắt thường, chẳng thể phân biệt được đâu là dừa sáp, đâu là dừa thường. Cái này phải do những người trồng dừa lâu năm chọn lựa. Dừa sáp cũng là một giống dừa riêng biệt, tuy nhiên, điều khá lạ, không phải quả của cây dừa sáp nào cũng đặc ruột. Một buồng dừa sáp trên 10 trái thì chỉ có 2-3 trái dừa sáp là "sai" quả rồi.
Căn cứ hình dạng, màu sắc trái tại Trà Vinh hiện có năm giống dừa sáp: dừa sáp tròn, dừa sáp dài, dừa sáp có cạnh, dừa sáp vỏ xanh, dừa sáp vỏ vàng.
Nhìn bề ngoài, thật khó phân biệt dừa sáp với dừa thường.
Mặc dù được trồng khá rộng rãi, nhưng vì cả cây dừa mới có vài trái lên sáp dày nên trái dừa sáp thành ra rất độc đáo và quý hiếm. Không phải lúc nào cũng có thể mua được. Do vậy, giá của trái dừa sáp này cũng cực đắt, rơi vào khoảng từ 120.000-150.000 đồng/trái. Có thời điểm khan hiếm lùng được một trái dừa sáp có giá lên tới 250.000-400.000 đồng/trái.
Nếu là người địa phương khác, nhất là ở các tỉnh xa, với giá đó để thưởng thực một đặc sản có một không 2 tại Trà Vinh thì cũng không quá túi tiền. Nhưng nếu so sánh với vùng đất dừa, khi chỉ với vài nghìn đồng bạn cũng đã được thưởng thức một trái dừa ngọt ngon mát lịm thì giá của dừa sáp quả đáng suy nghĩ.
Nhưng quả thật 1 điều: đắt sắt ra miếng, ai đã từng nếm thử vị thơm ngon và lạ của món dừa này dù phải trả giá cao cũng quyết mua bằng được mang về làm quà sau chuyến đi dông dài khám phá miền Tây Nam Bộ.
Ậy vậy, ăn món dừa này lại không hề đơn giản! Nó không dành cho kẻ khát cháy cổ đang thèm nước uống, hay đút căng bụng cho bớt cơn đói dọc đường gió bụi.
Bạn đừng tưởng tượng bổ đôi quả dừa (nhớ vẫn phải để một cái bát hứng nước vì nhiều quả nước dừa nhiều vẫn chưa lên sáp hết), dùng một chiếc muỗng hay thìa mà ăn lấy lăn để. Ăn xong rồi mà như không tin vào miệng mình: dừa sáp là đây sao, ngon tới mức cứ tưởng mình đang ăn... nến!
Nếu bạn ăn dừa sáp giống như nạo cùi dừa thông thường bạn sẽ thất vọng vì nó
chẳng khác nào bạn đang ăn... nến.
Thì đúng, tên gọi món này nôm na chính là "dừa nến". Cái sáp deo dẻo mềm mềm ấy đúng là ăn không chẳng khác gì nến. Theo khoa học thì tinh chất dầu dừa cũng để trộn làm nến. Vậy nên chẳng có gì ngạc nhiên khi bạn nhận xét nó giống nến.
Thế là bạn ức vì nghe báo chí ca tụng, nghe kẻ khác truyền miệng, bị trí tò mò kích thích để ăn một thứ vài trăm ngàn mà lại không bằng một quả dừa 2.000 đồng no căng bụng và mát lịm cuống họng.
Nhưng bạn ơi, bạn đã sai lầm khi thưởng thức món dừa này chưa đúng cách. Món này muốn ngon nhất phải nạo ra làm sinh tố. Phải thêm ít đường, ít sữa, ít đá bào vào thì thôi rồi, nó tuyệt ngon. Theo nhiều du khách đã "kinh" qua thì khi hút hết ngụm đầu tiên của món sinh tố dừa sáp này đầu lưỡi tê đi vì vị mát, cuống họng thì ngọt lịm, còn mũi thì như... nức ra bởi mùi thơm ngào ngạt, beo béo.
Vậy đó, ai khi uống xong cốc sinh tố dừa với giá 20.000 đồng đều đồng loạt "móc" hầu bao xách về một quả dừa với giá gấp đến chục lần cốc sinh tố để làm quà, chia sẻ với họ hàng người thân về thứ đặc sản này.
Bạn cũng có thể trộn thêm nhiều loại hoa quả
vào ăn cùng món dừa sáp.
Tại Trà Vinh, bạn bắt gặp rất nhiều hàng bán dừa sáp ở Cầu Kè, họ treo lủng lẳng những trái dừa để làm hiệu. Khi mua bạn nhớ quan sát qua hình dáng như miêu tả bên trên. Tuy nhiên, để chắc chắn, bạn nên nói chủ quán bổ luôn cho bạn, nếu bên trong ruột dày, phần sáp xốp lên như bánh kem, phần cùi còn ngậm nước thì sền sệt như món thạch thì đúng là dừa sáp chính hiệu.