Bất kì ai đi ngang qua Dĩnh Kế vào những ngày nắng đều sẽ thấy màu trắng của những chiếc bánh đa to, tròn trên những chiếc giàn phơi ở dọc quốc lộ 1A, trong đường làng, ngõ xóm, sân nhà. Món bánh đa tưởng chừng khô khốc dưới bàn tay khéo léo của người dân làng Kế lại trở nên giòn tan, ngon tuyệt lạ thường. Từng hạt vừng thơm phức phủ đầy hai mặt bánh hoà quện với bột gạo bùi bùi, béo béo của lạc quê, tất cả làm nên một thứ đồ ăn nức tiếng là ngon. 

Giòn tan bánh đa Kế 1

Bánh đa Kế nhìn thật giản dị với hình yên ngựa khi cho vào miệng thì giòn, ngon có vị thơm, béo, bùi của vừng lạc, khoai lang, xốp nở phồng to của những chiếc bóng trên bề mặt. Từng miếng bánh đa thơm lừng, ngọt bùi giòn tan trong miệng khiến ta có cảm giác như hương vị quê hương đang dạt dào theo tiết tấu âm thanh quen thuộc mà quý giá biết nhường nào.

Giòn tan bánh đa Kế 2  

Trước kia, bánh đa được tráng bằng sắn nhưng do sắn là nguyên liệu khó làm vì dính, dễ bắt bụi, mất vệ sinh… nên được thay bằng gạo. Người dân ở đây quan niệm rằng: để có được chiếc bánh hảo hạng thì khâu quan trọng nhất là tráng bánh. Khâu này đòi hỏi kĩ thuật đặc biệt khéo léo của người thợ mà không phải ai cũng làm được. Bánh phải tráng nhẹ tay để mặt bánh phẳng, đều phụ gia với đường kính khoảng 40cm. Sau khi tráng xong bánh phải được phơi hai lần cho khô kiệt rồi cuối cùng mới quạt tạo hình dáng cho bánh. Để bánh được nở đều, đầy đặn, không bị méo mó, cháy sém như những loại bánh đa khác, thợ Dĩnh Kế phải quạt thủ công bằng than hoa.

Giòn tan bánh đa Kế 3

Với người Dĩnh Kế thì nghề làm bánh đa là nghề “cha truyền con nối” từ xa xưa các cụ để lại cho đến ngày nay. Thưởng thức bánh đa là thưởng thức một loại hình ẩm thực truyền thống mang hương vị của quê hương xứ sở chứa đựng công sức cha ông đã hun đúc và sẽ còn mãi với thời gian.

Giòn tan bánh đa Kế 4