Đèn lồng Hội An đa dạng từ màu sắc, chất liệu đến hoa văn, kiểu dáng. Đặc biệt, loại đèn lồng làm bằng chất liệu lụa Hội An có thể gấp xếp được rất được du khách ưa chuộng mua làm quà lưu niệm.

  
  
  
Đèn lồng xuất hiện mọi nơi trong phố cổ

Dạo một vòng quanh phố cổ, du khách dễ dàng nhìn thấy những ki-ốt treo lủng lẳng đủ các loại đèn sặc sỡ, bên trong cửa hàng là hình ảnh nghệ nhân đang định hình và tạo dáng cho đèn lồng. Bạn đừng ngần ngại bước vào và bắt chuyện, biết đâu may mắn lại được hướng dẫn miễn phí cách làm đèn lồng.

  
Những ki-ốt treo lủng lẳng đủ các loại đèn lồng sặc sỡ

Đêm xuống, Hội An càng thêm huyền ảo trong sắc vàng ấm dịu từ những chiếc đèn lồng tỏa sáng khắp các ngõ phố cổ. Phố cổ thường cấm xe cộ lưu thông từ 18 giờ hàng ngày, bạn thỏa thích đi bộ chậm trãi tận hưởng không gian Hội An về đêm.

  
  
Đêm xuống, Hội An càng thêm huyền ảo trong sắc vàng ấm dịu từ những chiếc đèn lồng tỏa sáng khắp các ngõ phố cổ

Khi mỏi chân, hãy bước xuống một chiếc thuyền gỗ, nơi có tiếng đàn ghi-ta du dương, gọi một chai bia lạnh và thả hồn theo từng nhịp đàn của người nghệ sĩ. Nếu thích không khi sôi động, bạn hãy hòa mình vào tiếng nhạc xập xình của những quán bar bên kia sông.

Thưởng thức ghi-ta nhạc sống trên thuyền

Vào ngày rằm 14 mỗi tháng, Hội An trở nên lộng lẫy với lễ hội thả hoa đăng. Các hàng quán trong phố cổ đều thắp sáng bằng đèn lồng. Dòng người đổ về dọc con sông Hoài, nhẹ nhàng thả từng chiếc đèn hoa đăng khắp mặt sông, nguyện cầu điều bình an.

  
Đèn hoa đăng và đèn lồng dọc sông Hoài

Thú vị hơn, bạn có thể thuê một chiếc thuyền nhỏ, chèo thuyền ra giữa sông, thả hoa đăng và ngắm nhìn những dãy đèn lồng lung linh đôi bờ. Không gian tĩnh lặng và sự bình yên, ấm áp lan tỏa. Dường như, những chiếc đèn lồng không chỉ là vật trang trí mà đã trở thành một phần linh hồn của phố cổ.

  
  
Những chiếc đèn lồng không chỉ là vật trang trí mà đã trở thành một phần hồn của phố cổ