Tháng 10, cứ đọc khắp diễn đàn, Facebook dành cho dân du lịch lại thấy hàng trăm topic rủ nhau lên thăm Mù Cang Chải (Yên Bái). Vùng đất miền cao giờ đây không đơn thuần gợi đến sự xa xôi, nghèo đói như ấn tượng từ nhiều năm trước mà đã có tên trên bản đồ du lịch với hình ảnh tuyệt đẹp về ruộng bậc thang vào mùa lúa chín, vẫn được ví von như những “nấc thang vàng lên thiên đường”.
Đây là lần thứ 4 chúng tôi khăn gói lên Mù Cang Chải, nhưng cảm giác háo hức được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên tươi tắn vẫn vẹn nguyên như ban đầu. Bởi vậy mà anh bạn cùng đoàn tôi mới đùa rằng, đã trót một lần đi Mù Cang Chải và “phải lòng” mảnh đất này thì người ta sẵn sàng bỏ tất cả công việc, phố xá… để lên thăm lần thứ 2, thứ 3, thậm chí lần thứ n.
Những thửa ruộng được nắng thu nhuộm vàng
Ruộng trải dài từ trên đỉnh núi xuống chân thung lũng
Dọc theo quốc lộ 32 nối từ Hà Nội tới Yên Bái, những cung đường uốn lượn dưới chân đèo, vượt đỉnh dốc phá mây và thấp thoáng những thửa ruộng bậc thang đang được nắng thu nhuộm vàng, đã bắt đầu làm say lòng những kẻ ham mê du lịch khám phá.
Chúng tôi nghỉ chặng đầu tiên ở Tú Lệ. Vùng đất này không chỉ khắc sâu trong đầu dân du lịch cũng như giới nhiếp ảnh bởi những thửa ruộng bậc thang vàng óng mà còn nổi tiếng với loại gạo nếp Tú Lệ dẻo, thơm, rồi cơm nếp Tú Lệ, rượu cần Tú Lệ…
\
“Biển vàng”…
…“sóng vàng” ở Tú Lệ
…“sóng vàng” ở Tú Lệ
Từ Tú Lệ lên tới Mù Cang Chải còn gần 50 km. Nan giải nhất là đoạn vượt đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Nhưng rồi, công sức của những kẻ liều lĩnh cũng được đền đáp xứng đáng. Đứng trên đỉnh đèo Khau Phạ, cả đoàn thỏa sức la ó, hò hét vì vui mừng, vì sung sướng, vì quá ưng cái khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, của một Mù Cang Chải với vẻ đẹp bạt ngàn những bậc thang lúa chín.
Cảnh đẹp ngất ngây từ trên đèo Khau Phạ nhìn xuống
Hành trình đi leo những “nấc thang vàng lên thiên đường” tiếp tục tới ba xã của Mù Cang Chải là La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình được cho là có nhiều "nấc thang" đẹp nhất, và từng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng danh thắng quốc gia.
Ruộng bậc thang La Pán Tẩn
Nhiều ruộng lúa ở Chế Cu Nha vẫn ẩm ương xanh pha vàng
Ruộng bậc thang ở Dế Xu Phình
Đồng bào dân tộc Mông chiếm đại đa phần dân số ở Mù Cang Chải. Ruộng bậc thang trên cao hầu hết là của người Mông. Phía thấp hơn là ruộng của người Thái. Người Thái thích sống gần sông, suối, vùng đất bằng, lúa họ trồng cũng có vài điểm khác biệt so với lúa của người Mông. Người Thái thích lúa nếp, đặc sản của họ là nếp Tan, thơm phức khắp núi đồi.
Điều thú vị khi tới Mù Cang Chải trong mùa thu không chỉ ở ruộng bậc thang với lúa chín vàng óng ả mà cả những vùng ruộng lúa đã được gặt và đang cày ải cho mùa vụ mới. Sắc vàng của những cánh đồng chín xen lẫn với sắc xanh của những cánh đồng nối vụ tạo thành dải lụa mềm mại, óng ánh trong nắng mùa thu.
Cánh đồng chín xen lẫn với sắc xanh của những cánh đồng nối vụ
"Cậu bé và cánh đồng"
Một "mùa vàng" no đủ
Chúng tôi trở về trung tâm thị trấn Mù Cang Chải lúc trời đã khuya. Các nhà nghỉ hầu như đã hết phòng do sự “đổ bộ” của những kẻ săn tìm "mùa vàng" nơi đây. Phương án ngủ ghép với nhà người Mông khó khả thi do cả đoàn quá đông. Thế là cả đoàn quyết định dựng lều ngoài sân, vừa mát mẻ, thoải mái, lại... không mất tiền. Bữa tối vội vàng với bánh mỳ, thịt hộp, lương khô, sữa… cả đoàn lại lên đường đi ngắm trăng đêm trên ruộng lúa.
Có lẽ sẽ không thành viên nào trong đoàn có thể quên được cảm giác leo dốc đèo đêm trăng sáng vằng vặc, sáng tới nỗi chẳng cần đèn mà vẫn phóng xe ngon lành. Rồi cảm giác chờ trăng lên phủ ánh sáng bạc xuống ruộng lúa phía dưới, cảm giác ngủ trên đỉnh đèo bên cạnh "chiến mã" thân yêu dưới mái hiên của một ngôi nhà dân tộc.
Màn đêm bao phủ Mù Cang Chải
Ruộng bậc thang được ánh trăng soi sáng
Thế mới biết để ngắm nhìn cảnh thiên nhiên đẹp tới mê hồn này cũng đâu phải dễ dàng. Nhưng có hề gì, chúng tôi vẫn đi, đi để trải nghiệm, đi để khám phá, đi để thử thách, và đi chỉ đơn giản vì “Cuộc đời ơi. Tôi vẫn trên môi nụ cười. Chứa mãi trong trời tự do. Đôi mắt chứa chan ngọn lửa đam mê”…