Ngày xưa, kẹo kéo bán rong, thường được đổi từ ve chai, giấy báo cũ, hay tóc rối. Lũ trẻ chúng tôi thường gom những thứ bỏ đi ấy lại và hí hửng chờ một bữa có tiếng còi toe toe của anh hàng kẹo kéo tới. Mớ bòng bong nào túi ni long, vỏ hộp sữa… được mang ra đổi lấy một chiếc kẹo ngắn cũn, thơm, dẻo, ngọt.

Ngày ấy cũng chẳng rõ, kẹo làm bằng gì. Nhưng hôm vừa rồi được mua, được ăn ở Hồ Tây thì đã rõ: kẹo kéo thường làm từ mạch nha, lạc, vừng. Anh chàng trẻ tuổi bán kẹo đã 2 năm mà chưa biết nấu kẹo, anh bảo: làm cái này khó, phải nấu mạch nha cho đến độ keo nhất định, không lỏng quá cũng không quá cứng để  "đánh" kẹo thành công.
 





Anh chàng kẹo kéo với chiếc xe đạp và cái thùng nhỏ  thường đứng ở đường Thanh Niên.

Đánh kẹo phải đánh đều tay. Người ta đóng cái đinh hay que gỗ lên tường, cứ thế quật cả khối đường vừa nấu xong còn nóng đến 50 độ c lên đinh, rồi lại đập xuống bàn, lặp đi lặp lại đến khi kẹo được độ trắng dẻo cần thiết. Lúc này, kẹo kéo sẽ dàn mỏng kẹo và cho lạc, vừng vào giữa, rồi bọc kẹo vào túi nilon đem bán.

Cái tên kẹo kéo có lẽ xuất phát từ động tác lúc lấy kẹo của người bán hàng. Bọc một chiếc khăn, kéo nắm kẹo ra sao cho được một chiếc to chừng bằng ngón tay cái mà phải được cả nha, và nhân lạc. Que kẹo cầm tay dinh dính, đưa lên miệng thấy vị bùi của lạc, của vừng hòa thơm trong cái dẻo, cái thơm, cái ngọt tự nhiên của mầm lúa gạo. Ăn một lại muốn ăn hai vì vẫn thòm thèm... 






Những chiếc kẹo được kéo rất nghệ thuật, đều tăm tắp, lớp nha mỏng dính
 bao quanh lớp lạc thơm bùi bùi.
 

Những chiếc kẹo trắng muốt được bọc túi bóng trông rất vệ sinh.

Ăn kẹo kẹo không đã thấy ngon vì cái cảm giác giòn giòn, dẻo dẻo, vị ngọt của nha và bùi của lạc. Nhưng thú vị hơn cả là ăn cùng với vị mát ngọt của kem tươi hồ tây vào một buổi chiều đông lành lạnh.