Cá lóc nướng trui và sỏi mầm là hai món lạ mà chúng tôi muốn giới thiệu tới độc giả ngày hôm nay. 

Cá lóc chổng ngược 

Vùng đất Nam Bộ sông nước mênh mang, kênh ngòi chằng chịt là nơi trú ngụ của hằng hà sa số các loại tôm cá. Nhờ thiên nhiên ưu đãi nên vùng đất này có rất nhiều chủng loại động thực vật trên rừng, dưới biển, trong sông ngòi, kênh rạch, hầu hết loài nào cũng có thể đem ra nướng được. Đến miền Tây chắc chắn không thể bỏ qua món cá lóc nướng trui, ếch nướng đất sét hay chim sẻ nướng sả ớt. Đó là những kiểu nướng hết sức dân dã, là cách nướng khẩn hoang có lịch sử chế biến gắn liền với quá trình khai hoang mở cõi. Trong đó đặc sắc và nổi tiếng hơn cả phải kể đến đa dạng các kiểu nướng cá lóc miền Tây.

Bên cạnh cá lóc đắp bùn, cá lóc nướng lá sen thì cá lóc nướng trui "chổng ngược" là món ăn phổ biến và ấn tượng hơn cả. Món cá nướng trui là món ăn phổ biến đến nỗi từ lâu đã đi vào ca dao tục ngữ “Bắt con cá lóc nướng trui/ Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa”.

Đặc điểm của món cá lóc nướng trui dân dã là cá không cần sơ chế, nghĩa là không đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướp gia vị. Cá lóc vừa bắt dưới sông lên rửa sạch, xiên một thanh tre tươi từ miệng cá đến đuôi rồi cắm các thanh tre xuống đất và phủ rơm khô lên. Người nướng cá có nghề phải lượm sao cho rơm vừa đủ để đốt khi rơm vừa tàn, cá cũng vừa chín. Rơm còn thừa nhiều cá sẽ bị khét hoặc chín quá, mất ngọt; rơm thiếu cá lại không chắc, không dậy mùi thơm.

Cá lóc nướng trui có mùi thơm rất đặc trưng không giống với bất kì loại cá nào khác, mùi thơm tỏa ra từ lớp vảy, thớ thịt xen lẫn mùi hơi khét của da nướng. Cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm muối ớt, mà phải là loại muối hột mới cảm nhận được hết mùi vị thơm ngon vùa cay vừa mặn vừa ngọt vừa thơm của món cá lóc nướng đặc sản của dân Nam Bộ. Ở đồng bằng sông Cửu Long, cá lóc nướng trui thường ăn với nước mắm me.

Sỏi mầm Hậu Giang 

Mầm đá tưởng chỉ có trong chuyện Trạng Quỳnh lại thực sự có thật và là đặc sản của vùng sông nước Hậu Giang. Sỏi mầm là món ăn riêng có của vùng Hậu Giang. Nếu chỉ nghe tên, nhiều người vẫn nghĩ mình sẽ được một món ăn mô phỏng hình dáng viên sỏi, chỉ đến khi thực sự nhìn thấy những viên sỏi tròn xoe đặt trong chiếc lá rộng mang ra bày trong bàn ăn, nhiều người mới thực sự cảm thấy bất ngờ vì món mình sắp thưởng thức.

Thực tế, món sỏi mầm chắc chắn có... sỏi, nhưng sỏi không dùng để ăn mà dùng để làm chín thức ăn. 3-4 viên sỏi được nung thật nóng, bày biện khéo léo trong lòng đĩa, xung quanh là các roại rau sống, ớt tươi, bắp cải thái nhỏ, rau thơm đẹp mắt.

Thứ được làm chín trên mặt sỏi là thịt heo rừng được ướp sẵn tiêu, tỏi, hành ngò. Thịt của những con heo được bà con dân tộc nuôi thả trên đồi, núi, chúng tự tìm thức ăn trong môi trường tự nhiên, siêng vận động và dù được nuôi thời gian dài nhưng trọng lượng chỉ độ từ 5- 15kg. Vì chỉ những con heo như thế mới cho ra được những miếng thịt thơm ngon, ít mỡ, làm vừa lòng người thưởng thức.

Món ăn được dọn lên là thời điểm hòn sỏi được nung nóng già nhất. thực khách chỉ cần nhanh tay gắp từng miếng thịt heo rừng thái mỏng dính dải đều lên mặt hòn sỏi, nghe tiếng xèo xèo của sỏi nóng và mỡ từ thịt chảy xuống tới khi thấy hương thơm ngào ngạt theo làn khói mỏng len tới khứu giác là miếng thịt heo đã vàng ươm, đượm mùi gia vị tẩm ướp vô cùng hấp dẫn.

Thịt sau khi nướng được cuốn với rau sống xếp quanh hòn sỏi, chấm cùng mắm chanh ớt chua ngọt, thấy vị ngọt thơm của thịt, vị mát của rau, vị chua dịu đậm đà của mắm ớt quyện với nhau, với không gian thoáng đãng miền sông nước ngon miệng khó tả.

Viên sỏi nhỏ bé nhưng giữ được nhiệt rất lâu, khiến thú thưởng thức sỏi mầm cuốn thịt heo trở thành thú nhẩn nha vui vẻ trong cuộc nhậu của người miền Tây. Nâng cốc chén tạc chén thù, thích thú chờ đợi thịt chín dần trên viên sỏi nhỏ, nghe mùi thịt chín thơm dù không hề thấy lửa, trải nghiệm đặc biệt đó khiến cuộc thăm thú Hậu Giang của bạn trở nên khó quên hơn bao giờ hết.