Chuột đồng quay lu béo mầm đất Đồng Tháp
Hàng thịt chuột quay lu vào mùa lúa cực kỳ đắt khách, chuột đồng là đặc sản, phải đặt trước mới có và phải chờ trong khoảng một tiếng để chuột được quay vàng ruộm, chín đều. Chuột có nhiều loại, nhưng chỉ những chú chuột sống ngoài đồng lúa, ăn lúa mới có thể dùng để quay, rán được vì thịt chuột thơm, béo lại không bị hôi.
Ảnh: chuotdongmietvuon
Sau mùa gặt, người dân quay đuổi chuột trên gò, giăng lưới bắt chuột. Người ta đốt rơm hun khói để bắt chuột. Chuột về được làm sạch ruột, cắt móng, khoảng 5 – 7 con/ kg rồi tẩm ướp gia vị trong khoảng 15 phút, sau đó móc từng con cho vào lu. Chiếc lu này còn được gọi là mái đầm, tùy cỡ lu mà mỗi mẻ được khoảng từ 8 – 30 con. Vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, khoảng một tiếng sau thì chuột chín vàng.
Ảnh: chaobuoisang
Người miền Tây gọi thịt chuột là “nai đồng quê”. Muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo được bày ra. Cầm miếng thịt chuột lên nếm, da giòn tan, thịt thơm và mềm. Không còn cảm giác ghê ghê ban đầu là ăn thịt chuột, chỉ thấy thịt chuột thật là ngon. Ngoài quay lu, chuột đồng còn được nướng hoặc hấp, nhưng quay lu có lẽ là ngon nhất và nhất định phải là chuột của mùa lúa tháng 9, tháng 10 mới là tuyệt hảo.
Thử thách với đuông dừa ngoe nguẩy
Con đuông dừa là loài ấu trùng sống bên trong thân cây dừa, hút hết chất từ thân cây. Khi con đuông dừa béo mầm, múp míp cũng là lúc cây dừa chết. Ở Trà Vinh người ta chế biến ba loại đuông làm món đặc sản, gồm đuông chà là, đuông dừa, đuông đất. Để tăng độ ngon cho món đuông, người ta nhét đậu phộng (lạc) vào đuông. Vị béo của đuông hòa lẫn với vị béo của đậu phộng tạo nên một cảm giác rất khó tả.
Ảnh: vietnamnet
Có nhiều cách để ăn đuông, nhưng cách ăn đuông tại Cần Thơ được xem là thử thách người ăn hơn cả. Con đuông béo múp, vàng ươm được thả trong bát nước mắm cốt pha ớt cay tuyệt hảo. Đuông hút mắm, ngoe nguẩy thân mình trong bát mắm. Người can đảm cầm con đuông vẫn sống động đậy ấy cho tọt vào mồm, lấy răng cắn bỏ đầu. Đuông cựa mình rơi thẳng vào miệng. Lấy răng cắn rốp, bạn sẽ cảm nhận được vị béo ngậy của thân đuông, vị mặn mòi mắm ớt với vỏ mình dai dai ngon tuyệt. Nhìn thì dễ mà ăn thì khó nên không phải ai cũng can đảm dám làm. Nhưng đây là một trong những cách ăn đuông ngon nhất với một trải nghiệm khó quên.
Về Đất Mũi nhậu loài cá kỳ lạ nhất hành tinh
Cá thòi lòi là loài cá sống trên bùn đất với những khả năng đặc biệt như đi lại, chạy nhảy và thậm chí phi cả lên cây một cách tài tình, ai nấy đều phải trầm trồ thán phục. Loài cá này sống và làm hang trong bùn của các khu rừng ngập mặn, có rất nhiều tại Gò Công, Cần Giờ, Cà Mau... nhưng không dễ bắt vì hang rất sâu và lủi vào hang rất nhanh.
Người dân vùng biển săn cá bằng cách câu hoặc lấy xà di làm bằng lá dừa nước, kết thành miệng phễu, hễ chui vào không ra được để bắt cá thòi lòi. Loài cá hiếu chiến rất hay cắn nhau nên phải xâu thành xâu khi mang đi. Cá thòi lòi chế biến khi còn sống sẽ cho những món ăn đặc sản. Tuy nhiên loài cá này có "bề ngoài" khá hung dữ, cái miệng há hở đầy răng nanh, đôi mắt to thô lố và đặc biệt khiến người ta ít nhiều cảm thấy ngần ngại khi nếm thử.
Cá thòi lòi có thể chế biến thành đủ món ăn, từ nướng muối ớt đến nấu canh chua, kho tộ hay làm lẩu đều ngon. Nhưng ngon nhất và đơn giản nhất vẫn là cá thòi lòi xiên que nướng muối tiêu vừa chín tới trên than chấm mắm ớt cay xè lưỡi hay mắm me ăn chung với rau sống, bún, bánh tráng. Nhậu món này vừa đã, vừa giữ được hương vị của cá, ăn mãi không thấy chán khiến bữa nhậu có thể kéo dài từ trưa cho đến tận chiều vẫn chưa tan.