Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook, các bà mẹ Việt chia sẻ rầm rộ một video về cách dạy con khi con không muốn ăn và quậy phá của bà mẹ tên Jo và cậu bé Charlie. Điều làm nên cơn sốt của video này chính là ở cách dạy con của Jo, nó hoàn toàn khác biệt so với cách dạy con của nhiều mẹ Việt hiện nay.
 
Trong video, cậu bé Charlie luôn giở chứng và ương bướng mỗi khi ngồi vào bàn ăn. Cậu bé đã khóc thét, thậm chí hất đổ dĩa thức ăn của mình chỉ để vòi vĩnh một cốc nước nho ép.

Cách xử lý con ương bướng không chịu ăn của một bà mẹ Tây.

Được biết, đây là video được ghi lại trong một chương trình truyền hình thực tế có tên Supernanny của Anh. Trong đó, các chuyên gia tâm lý sẽ đến nhà để hướng dẫn các bà mẹ cách “đối phó” với những hành vi xấu của con trong mọi tình huống. Và video trên chỉ là một trong số các tình huống mà các bà mẹ sẽ gặp phải. Bắt đầu từ năm 2004, chương trình Supernanny đã trở thành một trong những chương trình ăn khách nhất của Anh và được các bà mẹ rất quan tâm.
 
 Phớt lờ và cứng rắn đưa ra hình phạt khi trẻ không tuân thủ.
 
Với mỗi một tình huống thực tế khác nhau, các chuyên gia cùng các bậc cha mẹ sẽ có những cách giải quyết khác nhau. Thậm chí, có đôi khi, trong những tình huống giống nhau nhưng với mỗi đứa trẻ, cũng cần có cách phản ứng khác nhau. Tuy nhiên, trải qua rất nhiều năm, với rất nhiều trường hợp và tình huống, các chuyên gia của Supernanny đã đúc kết được một vài điều vô cùng quan trọng sau đây trong việc xử lý các tình huống với những đứa con ương bướng, hay ăn vạ.
 
1. Sự kiềm chế
 
 Việc đầu tiên của bố mẹ, là hãy kiềm chế cơn giận giữ của mình (Ảnh minh họa).
 
Một trong những điều đầu tiên trong việc đối phó với những đứa trẻ hư của cha mẹ phương Tây đó là sự kiềm chế. Khi gặp những tình huống không mong muốn, dù có tức giận đến đâu, cha mẹ cũng cần phải kiềm chế cơn giận của mình, không bao giờ la hét hoặc đối xử độc tài với con cái. Cũng không nên thúc giục con cái, gây áp lực về thời gian với chúng. Đừng làm lớn chuyện với những gì không thay đổi ngay được. 
 
2. Phớt lờ trẻ
 
Khi trẻ hư, khi trẻ đang có thái độ cáu bẳn và phá phách, hãy “phớt lờ” trẻ. Những đứa trẻ hư thường sẽ tự chấm dứt hành động phá phách, ăn vạ hay mè nheo của mình nếu chúng không thấy cha mẹ phản ứng gì với hành động đó. Tuy nhiên, "phớt lờ" nhưng không có nghĩa là bỏ qua, đợi khi bé trở lại bình thường, bố mẹ nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu hành động vừa rồi của bé là chưa ngoan, tại sao mẹ lại không ủng hộ để bé hiểu được vấn đề.
 
3. Giải thích
 
Rất nhiều cha mẹ Việt đều mắc phải một sai lầm là luôn nói “không” với con. Cha mẹ luôn cấm đoán con không được làm điều này, không được làm điều kia. Trong khi, với tâm lý nổi loạn và tò mò của một đứa trẻ, chúng không biết tại sao lại không được làm như vậy và sự thực là chúng vẫn tiếp tục làm điều đó. Chính vì vậy, một trong những điều mà chương trình Supernanny luôn nhắn nhủ với các bậc cha mẹ là không thể chỉ nói “không” để từ chối trẻ em – chúng cần biết tại sao và như thế nào. 
 
4. Giới hạn - cảnh báo – kỷ luật
 
 Hãy đặt ra những giới hạn, cảnh báo và kỷ luật cho trẻ (Ảnh minh họa)
 
Với mọi hành động của trẻ, cha mẹ cần sắp đặt những ranh giới rõ ràng cho trẻ. Đó là một cách để chứng tỏ quyền hạn của mình với trẻ, để cho trẻ hiểu rằng nơi nào, lúc nào là cần phải làm việc gì, để chúng biết rõ điều gì được phép và không được phép, từ đó chúng sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. Điều này cũng có nghĩa là không nên cho con bạn quá nhiều chọn lựa dẫn đến việc trẻ sẽ trở nên không dứt khoát.
 
Đi kèm với giới hạn, đó là những lời cảnh báo. Điều đó có nghĩa là trước khi trẻ làm một điều gì đó vượt quá giới hạn, hãy cảnh báo chúng. Việc làm này sẽ giúp trẻ có cơ hội suy nghĩ lại hành động của mình và tự quyết định xem nên tiếp tục hay dừng lại trước khi nó bị phạt. Điều đó tốt hơn rất nhiều việc để hành động đó xảy ra và sau đó là cơn tức giận của bố mẹ.
 
Cuối cùng, sau những giới hạn, khi đã cảnh báo thì đó là kỷ luật. Cha mẹ cần phải luôn kiểm soát các quy định mình đã đặt ra một cách kiên định và công bằng. Trẻ em cần hiểu ra rằng những cư xử không thể chấp nhận được của chúng sẽ dẫn đến một hậu quả nhất định: ngoan thì sẽ được khen thưởng, hư là bị phạt. Nếu bạn đối xử công bằng, trẻ cũng sẽ ứng xử hợp lý theo.
 
5. Khen thưởng
 
Nếu bạn mong muốn con biết cư xử đúng mực thì một trong những điều quan trọng nhất chính là giúp con biết được nếu con cư xử đúng mực thì con sẽ nhận được những lời khen và thậm chí là quà nữa. Những lời khen sẽ giúp gây dựng lòng tự trọng và tự tin ở trẻ. Quan trọng là nội dung khen thưởng phải rõ ràng và đặc biệt theo từng trường hợp chứ không phải là những lời khen chung chung như “con ngoan quá” hay “con giỏi quá”, mà hãy là “sao hôm nay con trai mẹ lại ăn hết nhanh và sạch vậy” hoặc “bé con dậy sớm thật ngoan quá đi”. Lúc đó, trẻ sẽ hiểu được nó vừa mới hoàn tất tốt công việc gì. 

Nguồn: Tổng hợp