Mổ lấy thai là thủ thuật phẫu thuật đưa thai nhi ra ngoài thông qua vết cắt ở thành bụng trước của người mẹ và tử cung, thay vì đưa ra qua đường âm đạo. Ngày nay, số ca mổ lấy thai ngày càng nhiều. Một ca sinh mổ có thể được lên kế hoạch trước, nhưng cũng có trường hợp mẹ chuyển dạ bình thường nhưng khi có biến chứng sẽ phải mổ khẩn cấp.
Phương pháp mổ lấy thai có 2 cách là mổ ngang và mổ dọc. Tuy nhiên, mổ dọc đã không còn ứng dụng rộng rãi vì tính thẩm mỹ và an toàn cho mẹ và bé không cao như mổ ngang nên hiện nay, mổ lấy thai phổ biến là vết mổ ngang.
Một ca mổ lấy thai thường diễn ra trong khoảng 40 - 50 phút. Tuy nhiên, thời gian từ lúc bác sĩ rạch bụng mẹ đến lúc đưa em bé ra ngoài sẽ khá nhanh, chỉ khoảng 5 - 10 phút, số thời gian còn lại dành cho việc khâu tử cung và đóng thành bụng.
Clip sinh mổ minh họa quá trình mổ lấy thai với các bước như sau:
Các bước quá trình sinh mổ.
1. Giai đoạn trước khi ca phẫu thuật diễn ra
- Trước cuộc phẫu thuật, sản phụ sẽ được hướng dẫn thụt làm sạch đại tràng. Tiếp đó là thay quần áo phẫu thuật, đội mũ vô trùng và bước vào phòng sinh mổ theo sự hướng dẫn của y tá.
- Chuyên viên gây tê sẽ đặt đường truyền tĩnh mạch trên cẳng tay để truyền dịch trong quá trình mổ và thực hiện gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình mổ, chỉ có phần nửa thân dưới sẽ không có cảm giác và cũng không cử động được.
- Tiếp đó, bác sĩ sẽ đặt một ống thông tiểu vào bàng quang để bàng quang luôn xẹp trong quá trình mổ, không gây trở ngại lúc lấy thai ra; đồng thời ống thông sẽ được lưu lại khoảng 24h sau khi mổ để bạn không phải ngồi dậy đi vệ sinh.
- Vệ sinh vùng bụng và vô trùng, trải khăn vô khuẩn. Có một chiếc khăn sẽ được đặt ngang ngực sản phụ để không nhìn thấy những gì diễn ra ở phía dưới trong suốt quá trình mổ.
- Lắp máy đo nhịp tim và huyết áp.
- Bác sĩ thử phản ứng trên cơ thể mẹ để xem thuốc tê đã phát huy tác dụng chưa. Nếu rồi mẹ sẽ được tiến hành tiếp các bước sau.
2. Giai đoạn mổ đưa thai nhi ra ngoài
- Bác sĩ sẽ rạch một đường ở bụng dưới, ngay trên xương mu, đường mổ dài khoảng 20cm, rạch các lớp mỡ trước khi rạch vào tử cung. Vết rạch sẽ đi qua da và tới các lớp mô. Máu bắt đầu chảy và y tá sẽ giúp bác sĩ thấm máu liên tục bằng gạc.
- Bác sĩ thăm dò khoang tử cung, chạm vào túi nước ối và định hình đầu thai nhi rồi dùng hai tay đưa em bé ra khỏi bụng mẹ. Nếu là thai ngôi đầu sẽ đưa đầu em bé ra trước tiên, ngược lại sẽ đưa chân hoặc mông bé ra trước nếu là ngôi mông.
- Sau đó bác sĩ sẽ kẹp, cắt dây rốn, lau hút đàm nhớt từ miệng trẻ.
- Lấy nhau thai và làm sạch tử cung của mẹ.
3. Giai đoạn đóng ổ bụng
Sau khi hoàn thành thao tác mổ lấy thai ra khỏi bụng sản phụ, các bác sĩ sẽ làm sạch ổ bụng, kiểm tra tử cung, phần phụ và các cơ quan xung quanh rồi tiến hành khâu đóng thành bụng theo từng lớp từ trong ra ngoài.
Chỉ khâu có hai loại, một loại tự tiêu, một loại phải cắt chỉ sau khoảng 1 tuần. Tùy từng bệnh viện sẽ lựa chọn loại chỉ khác nhau. Sản phụ nên lưu ý nếu dùng chỉ rút cần cắt chỉ đúng theo lời dặn của bác sĩ.
Sau ca mổ, sản phụ sẽ được đưa về phòng hậu phẫu để các nhân viên y tế theo dõi và chăm sóc trong khoảng 3 - 6 giờ. Hết thời gian nằm phòng hậu phẫu, bạn sẽ được đưa về phòng nghỉ. Y tá sẽ khuyến khích bạn uống nhiều nước và rút ống thông tiểu để bạn có thể đi tiểu bình thường. Sau ca mổ khoảng 24 giờ, sản phụ được khuyến khích đi bộ để ngăn ngừa táo bón và sự hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu.
Mặc dù quá trình mổ lấy thai diễn ra khá nhanh chóng và đang ngày càng phổ biến, tuy nhiên nó vẫn có thể tiềm ẩn một số nguy hiểm nhất định, ảnh hưởng tới sức khỏe, sự an toàn của cả mẹ và bé. Vì vậy, các bác sĩ luôn cân nhắc rất kĩ với từng ca sinh nở để đưa ra lời khuyên hoặc quyết định đúng đắn nhất trước khi tiến hành mổ lấy thai.
Sản phụ sẽ phải ở lại bệnh viện từ 3 – 5 ngày để các bác sĩ theo dõi tình trạng vết mổ nhằm tìm xem liệu có dấu hiệu nhiễm trùng hay không cũng như chăm sóc sức khỏe, giảm đau cho bạn.