Gần đây, tôi đang dành thời gian xem phim Sex Education sau khi đọc nhiều đánh giá tích cực về nội dung phim. Xem phim, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra một sự thật, về 1 hiểu nhầm mà cả con mình và nhiều đứa trẻ đang gặp phải.
Trong phim, những cô cậu thiếu niên từng nhiều lần xung đột với cha mẹ mình. Đó là khi Otis thể hiện sự thiếu tôn trọng khi thường xuyên làm trái lời khuyên của mẹ. Hay Eric sợ hãi khi bạn trai của mình gặp gia đình. Còn Adam không thể hiểu được quyết định ly hôn của mẹ và cảm thấy bức xúc, khó chịu.
Nguyên nhân của những hành động này xuất phát từ nhiều yếu tố. Với Otis, cậu cảm thấy mẹ can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng. Eric thì là sự thiếu giao tiếp cởi mở trong gia đình, khiến cậu cảm thấy không an toàn khi thể hiện bản thân. Còn Adam, đó là khoảng cách cảm xúc giữa hai thế hệ, khi mà cha mẹ cậu không giải thích đầy đủ với con. Bản thân Adam cũng chưa đủ trưởng thành để cảm thông với mẹ.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của những xung đột này là bởi, những đứa trẻ không nhận ra rằng: Cha mẹ không chỉ là những người thực hiện vai trò trách nhiệm (nuôi dạy, cung cấp vật chất, định hướng) mà còn là cá thể độc lập với cảm xúc, khuyết điểm, và những mâu thuẫn nội tâm. Việc con trẻ không nhìn nhận cha mẹ như những con người có đời sống riêng dẫn đến sự thiếu đồng cảm và những xung đột không đáng có giữa các thế hệ.
Trong mắt con trẻ, chúng thường thấy cha mẹ như những người hùng bất khả chiến bại hoặc là nguồn hỗ trợ không bao giờ cạn kiệt. Điều này dẫn đến việc trẻ không hiểu rằng cha mẹ cũng có cảm xúc và những gánh nặng riêng.
Giống như con trai nhỏ của tôi, nó từng ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi thấy bố than vãn với mẹ về chuyện mệt mỏi, áp lực với công việc hiện tại. Thằng bé từng bảo tôi rằng: "Bố trông vậy mà cũng ủy mị quá mẹ nhỉ". Tất nhiên sau đó, tôi đã ngay lập tức "chỉnh" lại suy nghĩ sai lệch của con. Nhưng tôi cũng phát hiện ra, con khá "thần thánh hóa" bố mẹ.
Từ phim Sex Education và chính câu chuyện của gia đình, tôi rút ra nhiều bài học
Nhìn nhận từ bộ phim và chính gia đình mình, tôi ý thức được: Để trưởng thành, cả cha mẹ và con cái cần học cách thấu hiểu rằng mỗi người đều có khuyết điểm, khó khăn và mâu thuẫn riêng. Sự thấu cảm và đồng hành là chìa khóa để vượt qua những xung đột này.
Để làm được điều này, các bậc cha mẹ phải nhớ rõ:
- Thấu hiểu và chấp nhận con cái như một cá nhân độc lập: Chúng ta cần nhận ra rằng con cái không phải là "bản sao" hay "sở hữu" của mình, mà là những cá thể độc lập với cảm xúc, suy nghĩ và ước mơ riêng. Vì vậy hãy tôn trọng sở thích và ý kiến của con, ngay cả khi chúng khác biệt với mong muốn của cha mẹ. Khuyến khích con tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về hành động của mình.
- Chia sẻ cảm xúc và đời sống cá nhân: Để con cái học cách đồng cảm, chúng ta nên chia sẻ về cảm xúc và khó khăn trong cuộc sống, thay vì luôn cố tỏ ra hoàn hảo. Hãy kể cho con nghe về những thử thách mà cha mẹ đang đối mặt, phù hợp với độ tuổi của trẻ. Thể hiện rằng cha mẹ cũng có những khuyết điểm và đôi khi cần sự hỗ trợ từ con cái.
- Xây dựng giao tiếp cởi mở và không phán xét: Giao tiếp là nền tảng của mối quan hệ gia đình. Cha mẹ cần tạo không gian an toàn để con cái chia sẻ mọi điều, kể cả những vấn đề nhạy cảm.
- Dạy con tôn trọng và đồng cảm với cha mẹ: Sự tôn trọng và đồng cảm là mối quan hệ hai chiều. Con cái chỉ học cách tôn trọng cha mẹ khi chúng cảm nhận được sự tôn trọng từ cha mẹ dành cho mình.
- Hỗ trợ con đối mặt với thay đổi và khó khăn: Trẻ cần học cách đối diện với những thay đổi hoặc khó khăn trong cuộc sống, nhưng để làm được điều này, cha mẹ phải đồng hành và giải thích rõ ràng. Chẳng hạn khi gia đình có sự thay đổi lớn (chuyển nhà, ly hôn, mất mát), hãy giải thích ngắn gọn và phù hợp với lứa tuổi của trẻ, thay vì để chúng tự đoán hoặc cảm thấy bị bỏ rơi. Hãy dạy con cách nhìn nhận mọi vấn đề từ nhiều góc độ và chấp nhận rằng thay đổi là một phần của cuộc sống.
- Làm gương về sự tôn trọng và giao tiếp: Trẻ học cách cư xử từ những gì cha mẹ làm chứ không chỉ từ những gì cha mẹ nói. Trong các mối quan hệ gia đình, cha mẹ cần làm gương bằng cách đối xử tôn trọng với nhau và với người khác. Khi xảy ra xung đột, hãy thể hiện cách giải quyết mâu thuẫn một cách lành mạnh, để con học theo.
- Khuyến khích sự tự lập và chịu trách nhiệm: Cha mẹ nên đóng vai trò hướng dẫn, không phải kiểm soát toàn bộ cuộc sống của con. Để con tự đưa ra lựa chọn trong các vấn đề phù hợp với độ tuổi, ví dụ như lựa chọn môn thể thao yêu thích hoặc sắp xếp thời gian học. Khi con phạm sai lầm, thay vì trách mắng, hãy cùng con phân tích để rút ra bài học.
Mong rằng những bài học này sẽ giúp ích không chỉ cho tôi mà còn cho các bậc cha mẹ khác trên hành trình nuôi dạy con cái.