Tôi vẫn nghĩ con gái mình là một đứa trẻ tốt bụng. Nó học giỏi, lễ phép, biết giúp đỡ bạn bè. Nhưng gần đây, có một điều khiến tôi bắt đầu lo lắng: Con rất hay nhận xét về người khác – từ cách ăn mặc, kiểu tóc, đến cả chuyện ai đang thích ai, ai vừa chia tay, ai học kém, ai đang "làm màu" trên mạng.

Mỗi tối, bữa cơm của hai mẹ con dần biến thành "giờ tám chuyện" về bạn bè. Ban đầu tôi cũng chỉ ậm ừ cho qua, nghĩ rằng tuổi teen hay tò mò, chuyện vặt vãnh vậy thôi. Nhưng rồi có lần, tôi nghe con nói: "Con thấy bạn lớp con sống giả tạo lắm, cứ làm như ngầu mà thiệt ra học thì chẳng ra gì".

Tôi sững người.

Ngay sau đó, tôi hỏi: "Vậy con nghĩ nếu ai đó cũng đang nói con như thế thì sao?". Con im lặng.

Tối hôm đó, khi con đã ngủ, tôi ngồi xem lại một tập phim Sex Education. Trong tập đó, một nhân vật tên Abby nói một câu khiến tôi thực sự ấn tượng: "Nếu mọi người tập trung vào vấn đề của chính mình thay vì lo lắng về chuyện của người khác, thế giới này sẽ tốt đẹp hơn".

Ngắn gọn, nhưng sâu sắc. Và tôi biết – sáng mai, mình sẽ nói chuyện với con.

Xem phim Sex Education, tôi tìm ra cách trị thói hay phán xét người khác của con gái, cuối cùng con cũng nhận ra hành vi của mình rất xấu! - Ảnh 1.

Abby

Bài học tôi rút ra để dạy con

Hôm sau, tôi không trách mắng con. Tôi chỉ kể cho con nghe về câu nói của Abby, rồi hỏi con nghĩ gì về điều đó. Con nhăn mặt, bảo rằng "thì nói chơi cho vui thôi, đâu có ác ý gì".

Tôi nhẹ nhàng nói: "Mẹ hiểu. Nhưng đôi khi, những lời nói vô tình của mình lại trở thành thứ khiến người khác tổn thương. Và khi mình quen với việc bàn tán, phán xét người khác, mình sẽ quên mất việc sống tốt với chính mình".

Tôi kể con nghe về một bạn học cũ của tôi ngày trước – hay bị chê là "nhìn kỳ kỳ", suốt năm cấp 2 chẳng có nổi một người bạn thân vì ai cũng dè bỉu. Nhưng sau này, bạn ấy trở thành một người rất tử tế, làm trong ngành tâm lý, giúp đỡ rất nhiều người – trong đó có tôi, vào một giai đoạn trầm cảm hậu ly hôn.

Con tôi nghe xong thì im lặng. Lúc đó, tôi không cần lời xin lỗi. Tôi chỉ cần thấy trong mắt con có sự suy nghĩ – và tôi thấy điều đó.

Từ hôm ấy, tôi bắt đầu tập cho con thói quen "chỉ nói những điều cần thiết" về người khác. Mỗi khi con bắt đầu kể chuyện bạn bè, tôi sẽ hỏi: "Điều này có thật sự quan trọng không? Có ảnh hưởng gì tới con không? Nếu không, mình có thể để yên không?".

Tôi không muốn con lớn lên trở thành người vô cảm hay nhẫn nhịn quá mức. Nhưng tôi muốn con biết rằng: Tử tế không chỉ là giúp đỡ, mà còn là giữ im lặng khi không cần thiết phải lên tiếng. Không phải điều gì mình thấy cũng cần phải nói ra.

Làm mẹ, tôi nhận ra: Đôi khi dạy con không phải là dạy con làm gì, mà là dạy con nên ngừng làm điều gì – để học cách sống chậm hơn, sâu hơn, và bao dung hơn với thế giới.

Nếu bạn, như tôi, từng loay hoay giữa việc cho con quyền được nói ra và dạy con biết khi nào nên giữ im lặng, thì một câu thoại như của Abby – tưởng đơn giản – lại có thể mở ra những cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa.