Phóng viên ẩm thực Florence Fabricant của tờ New York Times đã chia sẻ những cảm xúc của mình khi thưởng thức món ăn nổi tiếng của Hà Nội trong một lần đi du lịch tại Việt Nam.
Không những thế, trong các chuyến đi của mình khắp sau đó, cô cũng đã tìm hiểu và tổng kết về những “phiên bản” của chả cá Lã Vọng trên khắp Thế giới.
Chả cá Lã Vọng nổi tiếng ở phố cổ Hà Nội.
Cô được thưởng thức chả cá Lã Vọng lần đầu tiên trong một ngôi nhà cổ ở Hà Nội (phố Chả Cá). Trong ấn tượng của cô, ngôi nhà ấy có cầu thang cũ kỹ, là “một địa điểm du lịch không thể bỏ qua với bất kỳ du khách nào tới Việt Nam”.
Bức tượng Ông già câu cá nổi tiếng của
nhà hàng số 14 phố Chả Cá.
Trên mỗi bàn có một lò than nho nhỏ, người phục vụ sẽ mang một chảo chả cá ra, đi kèm là nhiều loại gia vị khác nhau. Món ăn là tổng hòa của nhiều loại gia vị phong phú: nghệ, ớt, rau thì là, rau thơm, lạc rang, mắm tôm, nước mắm… Florence chia sẻ rằng: “Tất cả những màu sắc, mùi vị của món ăn vẫn đang hiển hiện rõ ràng trong đầu tôi dù đã 10 năm trôi qua”.
Món ăn nổi tiếng của Việt Nam cũng có được thiện cảm của nhiều đầu bếp nổi tiếng Thế giới. Những người đã thưởng thức món chả cá Lã Vọng đều đã và đang có ý định mang rau thì là vào món ăn của họ.
Ông Michael Bảo Huỳnh, người gốc Sài Gòn, chủ nhà hàng BaoBQ ở trung tâm thành phố Manhattan (Mỹ) là một người như thế. Món ăn mà ông mang đến nhà hàng tại Mỹ có tên là “bún chả cá”, đây là món ăn chế biến từ cá da trơn nướng, ăn kèm với bún và nước dùng cùng nhiều loại rau thơm.
Đầu bếp: Michael Bảo Huỳnh.
Đầu bếp Andy Ricker ở thành phố Portland đã giành giải trong cuộc thi đầu bếp quốc gia của Mỹ nhờ các các món ăn mang hương vị Đông Nam Á. Từ lần thưởng thức món chả cá Lã Vọng tại Việt Nam vào năm 2005, ông đã đưa món chả cá basa vào nhà hàng Pok Pok của mình. Gần đây, ông đã mang món này tới một nhà hàng khác của ông ở thành phố New York.
Đầu bếp Andy Ricker thậm chí đã chiến thắng trong một cuộc thi nấu ăn lớn
với món chả cá có nguồn gốc từ Việt Nam.
Tương tự là đầu bếp Angelo Sosa. Ông đã đem chả cá vào thực đơn của hai nhà hàng Xie Xie và Social Eatz. Ông ướp cá rô phi với nghệ, mayonnaise và mứt hành ngọt. Một món khác là cá bơn ướp dầu nghệ nướng. Ông tiết lộ rằng, nhờ có những trải nghiệm ở Hà Nội, ông mới có được những món ăn tuyệt vời như bây giờ. Với ông đó là "một trong những món ăn ấn tượng nhất trong đời, một lý do để ông đến với Việt Nam”.
Một đầu bếp khác nữa là ông Jean-Georges Vongerichten, từng đến Hà Nội và thưởng thức món chả cá Lã Vọng. Ông mô tả món chả cá ở Việt Nam là một món sa-lát với cá bơn.
Jean-Georges Vongerichten và món “salad với cá bơn”.
Tại nhà hàng Talde (Brooklyn, Mỹ), đầu bếp Dale Talde phục vụ món cá chẽm nướng với các gia vị của chả cá Lã Vọng như nghệ và các loại rau thơm. Đầu bếp Lon Symensma, chủ nhà hàng ChoLon ở thành phố Denver, cũng phục vụ món chả cá. Ông nói rằng “Tôi luôn thấy bị cuốn hút bởi rau thì là”.
Ông Simpson Wong, chủ nhà hàng Wong ở Greenwich, đã từng đến quán chả cá Lã Vọng năm 2009 với mẹ ông. Wong chia sẻ: “Tôi đã thử chế biến tại nhà, mọi người đã rất ấn tượng với món ăn đó. Tôi nhận ra rằng, món chả cả cần phải có mặt trong thực đơn nhà hàng của tôi”. Như để chứng minh cho lòng yêu mến của mình với món chả cá ông không ngần ngại chơi chữ khi gọi nhà hàng mình là nhà hàng “chả cá Lã Wong”.
Món chả cá tại nhà hàng của ông Simpson Wong.
Trong công thức chế biến của mình, Wong bỏ đi mắm tôm và sử dụng những củ nghệ còn tươi, vừa mới lấy lên từ mặt đất để giảm vị đắng của nghệ. Wong cũng ướp cá với dầu ăn, nhưng với lượng ít hơn món chả cá nguyên bản.
Theo ông, những thực khách không đủ thời gian sẽ không cần phải đến Việt Nam để thưởng thức món chả cá, họ có thể tìm thấy hương vị ấy ở chính nhà hàng của ông.