Bắt đầu vào chùa, hồ Long Trì (mắt rồng) hiện ra mong manh như người con gái đẹp e lệ khép mình đón khách. Tiếp đến là nhà Thủy Đình cổ kính, rêu phong. Vào những ngày lễ hội, hồ Long Trì trở thành sân khấu của các nghệ sĩ múa rối nước. 
 
Hồ Long Trì. Vào mùa lễ hội, nơi đây là một sân khấu để
 các nghệ sĩ múa rối nước.
 
Đường lên đỉnh núi uốn khúc quanh co với 251 bậc đá để thử thách những ai muốn khoác áo tu hành. Mỗi khúc quanh, mỗi hẻm đều gắn liền với một truyền thuyết. Mỗi địa danh lại gắn với tên tuổi một danh nhân.
 
251 bậc đá để thử thách những ai muốn khoác áo tu hành.

Hang Thánh Hóa nằm khuất trên nách núi chùa Cao. Hang rộng, thoáng và hơi nông. Tương truyền rằng đây là nơi nhà sư Từ Đạo Hạnh thoát kiếp, đầu thai vào Lý Thần Tông. Trên bức tường đá mấp mô, vẫn còn đó bao dấu chân, dấu tay của đức phật Từ Đạo Hạnh. Người đã bám vào vách đá treo leo thẳng đứng để lên trời. Du khách đến đây thường cố với lên dấu tay, rồi chạm vào dấu chân đức phật, sau đó sờ lên đầu gối mình “cho chân cứng đá mềm, đường thượng lộ bình an”. 

Nơi đây vẫn còn nhiều tấm bia đá khắc bút tích của những tao nhân mặc khách. Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương trong một lần vãn cảnh chùa Thầy, cũng cao hứng lưu lại bút tích. Bài thơ có tựa đề “Hang Cắc Cớ”.
 
Những tấm bia ghi dấu tích của những tao nhân mặc khách đã đến đây.

Từ lâu người ta vẫn gọi động Thần Quang bằng cái tên dân dã hang Cắc Cớ (tên do bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương đặt). Theo lời kể của người dân địa phương, hang Cắc Cớ chính là bà mai mát tay của những cặp nam thanh, nữ tú. Không khí lành lạnh, âm u, bóng tối bủa vây, những bậc đá trơn dốc cùng hơi đá cô tịch ướt át bốc lên tận mặt. Các cô gái sợ hãi vịn vào tay chàng trai. Chàng trai thể hiện niềm kiêu hãnh của người đàn ông che chở bao bọc cho người con gái.

Hồ Xuân Hương chứng kiến cảnh nam, nữ bồng bế nhau đã thốt lên: “vợ chồng giận nhau đến hang Cắc Cớ khi về lại nguôi”.
 
Chuẩn bị xuống hang như chuẩn bị mò xuống ... âm phủ.

Đôi dòng sữa mẹ trắng muốt chảy dài xuống vách đá. Chú rồng thiêng kiêu hùng thoắt ẩn, thoắt hiện. Rồi cả con quỷ dữ như đang hét lên tức tối làm rung chuyển vách đá. Chú chó trung thành canh giữ kho báu ngàn năm. Vẫn còn đó hũ vàng của nghĩa quân ta. Tương truyền rằng khi quân nhà Hán phát hiện ra hũ vàng, chúng vung gươm chém, hũ vàng liền hóa đá.
 
Du khách xuống động thường xoa quả đu đủ thần mọc ngược, để suốt đời no đủ. Trên cao là hai cây đèn thần của vị tiên ông chiếu rọi khắp huyệt động. Kế đến là dê thần rồi bầu vú cô.
 
Bể xương người nằm khuất tận cùng đáy hang. Dòng máu đỏ của hàng ngàn quân sĩ thấm vào vách đá, chảy từ đầu hang và đọng lại ở bể xương. Vẫn còn đó những khúc xương, hộp sọ nằm ngổn ngang chất đầy trong bể …
 
Bể xương người cuối hang.

Những năm trước đèn pin chưa xuất hiện, khách xuống động phải thuê đuốc dầu, hay đuốc mỡ lợn. Khói muội bám vào vách đá, vào tay, vào mặt… Trở ra mọi người mới biết mặt nhau, rồi xin địa chỉ làm quen. Nhiều nhân duyên bắt đầu từ đây...