Chị bạn tôi từ trong thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội chơi gọi điện kể giọng đầy bức xúc: gì đâu mà mình đi chợ Mơ, chỉ cầm hàng xem rồi đi. Bà chủ hàng cứ thế là cầm giấy đốt vung về phía mình rồi ra sức chửi mình là hãm tài. Sao lại có cái kiểu bắt nạt khách quá thể như thế.
Đi chợ chơi buổi sáng là một điều cực kỳ tai hại.
Rất nhiều bà chủ hàng "nặng vía".
Hỏi ra, hóa ra chị ấy đi chợ chơi buổi sáng, khoảng thời gian mà nhiều quầy hàng chưa mở hàng. Tôi giải thích với chị: chị sờ vào hàng buổi sáng mà không trả giá, không mua thì họ sẽ không gặp may trong buôn bán cả ngày. Tại chị không hỏi kỹ tục mở hàng ở đây nên bị người ta đốt vía và đuổi đi. Chị vẫn rất bức xúc với kiểu bán hàng như thế này.
Nguyễn Thanh, một hướng dẫn viên người Huế dẫn đoàn khách nước ngoài đi chơi chợ Đồng Xuân cũng bị đốt vía một lần kể: “bà bán hàng chửi đoàn em là rõ đồ Tây dởm, không mua lại còn xem xét. Bà ta dùng hương, giấy đốt vía đuổi bọn em đi. Khách của em hỏi về việc này, em ngượng quá bèn giải thích đây là tục lệ khi mở hàng của người bán hàng. Tất nhiên em không nói rõ tục lệ đó để làm gì”.
Sợ nhất là đụng đến hàng quần áo mà không mua. Ảnh minh họa.
Theo tâm lý chung, mọi việc khởi đầu đều khó khăn, mà "đầu xuôi thì đuôi mới lọt!". Riêng trong nghề buôn bán lại càng bấp bênh, có ngày mua may bán đắt, có ngày ngồi suốt buổi chẳng ai ngó tới. Chính vì vậy dân ta mới có kiểu quan trọng mở hàng. Người bán hàng quan niệm: nhìn ai có vẻ dễ dãi, xởi lởi mua hàng đầu tiên là cả ngày hôm đó họ sẽ bán hàng thuận lợi. Ai mà kỳ kèo, nâng lên đặt xuống, trả giá quá rẻ hoặc bỏ đi không mua là người “hãm tài”. Họ sẽ đốt giấy, đốt hương để đuổi “vía” nặng của người mua đi kèm những lời chửi khó nghe.
Tục mở hàng đã có từ lâu đời, đặc biệt ở những tỉnh thuộc khu vực ven sông Hồng. Những bà bán hàng từ xưa đến giờ lúc nào cũng chực chực để “đốt vía” khách hàng đầu tiên nếu chẳng may họ có thái độ không muốn mua hàng.
Lẽ thông thường, muốn được đông khách đến mua thì thái độ người bán hàng phải niềm nở, vồn vã, ân cần, bán giá phải chăng. Nhưng có những người bán hàng lại cứ quan niệm: mở hàng phải bán cho đắt, người mua mặc cả, chê đắt không mua bỏ đi, thì lại đổ lỗi cho người mua. Nếu nói một cách công bằng thì người bán hàng như vậy phải biết rằng mình mới là người… nặng vía nhất.
Ở một số chợ lớn như chợ Mơ, chợ Đồng Xuân, chợ Ngã Tư Sở… (Hà Nội) hoặc chợ Sắt, chợ Ga… (Hải Phòng) và một số chợ ở các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương… thường xảy ra tình trạng bán hàng với giá trên trời nhưng hay chửi mắng, dùng ma thuật đốt vía người mua mở hàng. Đây là điều hạn chế đối với khách du lịch từ địa phương khác đến chơi và mua sắm ở các chợ.