Ngày Tết, bát canh măng là thứ không thể thiếu trên mâm cỗ cúng tổ tiên, mâm cỗ đãi khách của người Việt. Người miền Bắc, đặc biệt người Hà Nội chọn măng lưỡi lợn để nấu bát canh ngon. Người phía Nam lại chọn măng le của vùng Tây Nguyên để nấu canh những ngày Tết.
 
 
Cây le thuộc họ tre nứa khá điển hình trên vùng đất bazan. Cây le có sức phát tán mạnh mẽ, sức sống dẻo dai đến kỳ lạ. Đồng bào Tây Nguyên tìm đất làm nương thấy rừng già không ngán nhưng gặp rừng le là phải hoảng sợ. Cây le dù bị đốt cháy, tàn lửa tại đâm chồi khác mọc khoẻ hơn, quả là một loài cây "bất tử”. Cũng may, rừng le không có giá trị gì ngoại trừ giá trị từ củ măng.
 

Măng le nhìn rất mỏng mình nhưng ăn lại không có một dấu hiệu xơ nào.
 
Măng le rất nhiều ăn tươi đã ngon, ăn khô càng ngon hơn hẳn măng áo tơi, măng lưỡi lợn gốc nứa, vầu, mai. Măng le khô được ngâm trước khi ăn khoảng 1 ngày. Khi nấu măng với thịt lợn, thịt vịt, hoặc nấu miến thêm ít hành củ vào sẽ thấy măng ăn mát, mềm, mịn như ăn thạch.
 
Măng le cũng đắt hơn các loại măng khác. Giá một kg măng khô Tây Nguyên thường cao hơn giá măng khu vực Tây Bắc khoảng 100 – 150 nghìn đồng. Nhưng những người đã từng ăn măng le Tây Nguyên vẫn thích mua măng của vùng đất đỏ Bazan vì cái sự ngon lạ của nó.
 

Mỗi kg măng thường đắt hơn măng ngoài Bắc từ 100 - 150 nghìn đồng.
 
Măng le được bà con dân tộc ở Tây Nguyên lấy về, phơi khô một cách tự nhiên không tẩm hóa chất nên cũng là một yếu tố để mọi người yên tâm khi mua măng Tây Nguyên làm quà.