Súp cua
Có nguồn gốc từ phương Tây nhưng súp cua đã nhanh chóng trở thành món ăn đường phố nổi tiếng của Sài Gòn. Một địa chỉ tham khảo cho bạn thưởng thức món ăn này là hàng súp cua Hạnh, số 402 Nguyễn Tri Phương, Q.10 và số 44 Nguyễn Thái Sơn, Q. Gò Vấp.
Súp cua ở Hạnh chỉ có một nguyên liệu là thịt cua lấy từ phần ngon nhất là càng và ngóe. Số lượng và kích thước cũng thuộc hạng “khủng” - vừa to, vừa tươi, vừa nhiều. Thêm một chút xì dầu, tương ớt, vừa thổi vừa ăn, mãi không chán.
"Chất" như thế nhưng giá mỗi chén súp chỉ 13.000 đồng. Quán cũng phục vụ các món khác vừa rất ngon và giá bình dân như 17.000 đồng một cánh gà nướng, 15.000 đồng một cặp chân gà nướng. Riêng các loại nước ép như cá rốt, dưa hấu, cà chua, thơm... chỉ có giá 10.000 đồng. Quán bán suốt cả ngày nên bạn có thể ghé vào bất cứ lúc nào. "Giờ cao điểm" của quán là từ 19h tới 21h.
Chuối chiên
Chuối chiên là món ăn vặt có mặt hầu như ở khắp các tỉnh của nước ta. Tại Sài Gòn, vào buổi sáng hay từ 14h chiều trở đi, không khó để tìm thấy món ăn vặt này tại các chợ, cổng trường, ngã tư…. Công thức chung của món ăn là chuối tẩm bột và cho vào chảo dầu chiên giòn. Đơn giản như vậy nhưng chiếc xe nhỏ bán chuối chiên, khoai lang chiên trong con hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh chỉ bán từ 14h – 17h hàng ngày nhưng tiêu thụ khoảng 20 nải chuối và hơn 20kg khoai lang và từ lúc dọn hàng đến lúc hết hàng, khách xếp thành hàng dài.
Bánh tai yến
Với những người thích ăn quà vặt ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng biết đến bánh tai yến, nhưng hiện nay hình ảnh gánh hàng rong bán món bánh này đã thưa thớt dần. Bánh tai yến có nguồn gốc từ miền Tây, theo chân những người dân quê lên Sài Gòn lập nghiệp.
Sở dĩ, bánh có tên gọi là tai yến vì hình dáng bên ngoài của bánh giống như tổ chim yến. Bánh tai yến có công thức chế biến khá đơn giản, nguyên liệu chủ yếu bao gồm đường, bột gạo, một ít bột năng, nước cốt dừa.
Chiếc bánh tai yến đạt yêu cầu và làm người thưởng thức thấy ngon miệng là khi viền bánh giòn, chính giữa bánh mềm dai. Người ta thường ăn bánh tai yến ngay khi còn nóng để thưởng thức vị giòn ngọt của nó, kèm theo đó là ly trà nóng. Nhưng cũng có người để bánh nguội rồi mới thưởng thức, bởi tai yến để càng lâu thì phần ruột bánh càng mềm dai, ăn rất thơm mát. Hiện nay, mỗi chiếc bánh tai yến có giá 5.000 đồng.
Cơm cháy chà bông
Sự dung hoà giữa cái giòn tan của miếng cơm cháy trắng tinh, mặn mà của chà bông, thơm thơm của những con ruốc đỏ au, thơm béo của hành phi, chua cay đậm đà của nước sốt khiến món cơm cháy chà bông trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đi sâu vào lòng của những thực khách Sài Gòn cũng như những bạn trẻ yêu thích món ăn này.
Giá một hộp như thế là 30.000 đồng với thời hạn sử dụng là 2 ngày – còn nguyên độ giòn, nếu bảo quản trong tủ lạnh, có thể để đến 1 tuần nhưng cơm cháy không còn giòn như ban đầu. Hàng này cũng nhận cung ứng cơm cháy để mang ra nước ngoài hay các tỉnh khác. Mỗi lần như thế phải đặt trên 10 miếng, mỗi miếng giá 40.000 đồng.
Bánh tráng trộn
Bánh tráng trộn là hỗn hợp của bánh tráng cùng với rất nhiều thứ gia vị như rau răm, xoài, quả tắc (quất), muối tôm, khô bò, sa tế, trứng cút, ruốc, đậu phộng… Đây là biến tấu của một món ăn dân dã vốn xuất phát từ Trảng Bàng - Tây Ninh.
Ban đầu người ta tận dụng những mẩu vụn được cắt ra từ những lò bánh tráng máy, trộn đều với chút dầu, hành phi, muối ớt và bột tôm để ăn trong gia đình. Dần dần, món ăn này trở nên quen thuộc với người địa phương và chẳng mấy chốc phổ biến ở nhiều nơi.
Bánh tráng trộn ngon được bán ở đường Hòa Hưng, từ 8 – 12h sáng, hẻm làng nướng Nam Bộ, khu vực chợ bến Thành, công viên Tao Đàn…