Trong từ điển ăn vặt của người Hà Nội, các món bún luôn được đặt một vị trí đặc biệt. Có lẽ nhắc đến ẩm thực Hà Nội, người ta nhớ phở đầu tiên, nhưng tôi phải nói là tôi thích bún hơn. Phở có thể là tinh hoa, nhưng bún mới thực là "mảnh đất" sáng tạo của các bà bếp Hà Thành. Bún chả, bún thang, bún riêu, bún ốc… mỗi món bún là một chuỗi hương vị được kết thành từ những công thức riêng biệt, với những quy tắc và chuẩn mực riêng. Trong bài viết hôm nay, chúng ta hãy nói về bún riêu trước, cũng như tìm đến một hàng bún riêu khá nổi ở Hà Nội xem chất lượng nơi này ra sao nhé.
Về cách làm, tìm nguyên liệu làm bún riêu thì chẳng có gì khó. Chút sợi bún rối, chút cua đồng, cà chua, ít dấm bỗng, mắm tôm, nhúm rau sống. Thời hiện đại thì người ta chế thêm thịt bắp bò, thăn bò, rồi chút đậu rán và vài ba lát giò tai. Ừ thì nguyên liệu dễ kiếm, bún riêu là món dân dã mà. Nhưng nấu thế nào cho khéo, cho ra được một nồi bún ngon mới là câu hỏi khó đấy. Thế cho nên, Hà Nội nhiều hàng bún riêu, nhưng mà ngon đúng điệu thì ít. Và cũng vì suy nghĩ đấy, nên khi được mách cho một hàng bún riêu mà nhiều người nói là ngon lắm, đúng điệu lắm, tôi đã chẳng ngần ngại tìm đến ngay để xem, liệu lời đồn có đúng hay không.
Hàng bún nằm gọn trên vỉa hè phố Nguyễn Siêu nhỏ và hẹp. Vì quy mô "vỉa hè", thế nên bạn đừng mong tìm được bàn ghế cao, rộng hay quạt mát rượi. Quán vỏn vẹn có nồi nước dùng, vài rổ đậu, rau, thịt và bún. Thêm mấy chiếc ghế nhựa bày ra vỉa hè, thế là thành một quán thôi! Nhưng chẳng sao, Hà Nội mà và chắc rằng, nhiều bạn sẽ thích ngồi vậy để thưởng thức món quà dân dã này hơn.
Một bát bún riêu ở đây cũng được đong bằng những chiếc bát to, chan đầy đặn. Trong bát to đấy, bạn thấy bún tinh tươm xếp ở dưới cùng, rồi lấp lánh bên trên là chút gạch cua nâu nhạt, xếp bên cạnh là ít đậu rán vàng, rồi cà chua ánh đỏ ấm nóng, nom như một bức tranh đẹp lấy tông màu cam đỏ làm chủ đạo. Nhìn đẹp mắt là thế, mỡ màng là thế, khi ăn, hương vị cũng chẳng thua kém phần nhìn là bao.
Đầu tiên là nước dùng, thì đúng bún riêu "đắt" nhất là ở nước dùng mà. Cũng phải công nhận là nước dùng ở đây làm được, không quá đậm đà nhưng ăn vào thấy có cái béo ngậy xen lẫn với cái thanh đạm của cua, cái ngọt thoang thoảng lẫn trong vị chua dịu của dấm bỗng. Sợi bún to hơn những nơi khác chút đỉnh, nên khi ăn thấy cũng vui miệng hơn. Gạch cua thì mềm, khi trộn bát bún lên lại luẩn quẩn lẫn trong nước dùng những mảng, những miếng to nhỏ như những món quà bất ngờ, giúp điểm thêm chút hương béo ngậy. Rồi thì đừng quên những nhúm rau diếp xanh mơn mởn thái nhỏ, nhấn thêm vị thanh thanh, sần sật để cân bằng cảm giác của người ăn. Trên hết, cái hương vị giản dị này càng thêm nồng đượm khi bạn thêm vào chút mắm tôm, thơm phức vị làng quê đang quyện chặt vào cái tổng thể vốn đã xoắn xít của bún riêu.
Tất nhiên, bún thì ăn được quán vẫn tồn tại những điểm trừ nhất định. Ví như bạn nên nhắc cô chủ hàng đừng cho mì chính. Mì chính làm nhạt, làm lợ và mất đi cái thanh tao đặc trưng của bún riêu, thế nên ăn bát bún khi đó chẳng có cảm giác… thật nữa. Thịt bò cũng nên nhắc trần qua thôi, dù sao ăn bò tái, cảm giác thịt mềm quyện với nước dùng nóng rẫy lên thế kia cũng thích hơn là nhai thịt chín dừ, khô và bã. Thêm một điểm trừ nữa là quán có giá khá cao, một bát bún đầy đủ với riêu, bò, đậu và giò những 40.000Đ liền. Quán đông nhất vào buổi trưa, và dù đã có thêm một dãy bàn ở ngõ đối diện, nhưng bạn cũng nên đến sớm nếu muốn ăn thử ở đây nhé.