Xe hủ tiếu mì nằm ngay đầu một con hẻm lớn trên đường Võ Thị Sáu, gần giao với ngã ba Võ Thị Sáu - Phạm Ngọc Thạch. Với tuổi đời đã 20 năm, nên đây thậm chí là quán quen của nhiều thế hệ trong cùng một gia đình. Thành phố ngày càng phát triển
thì những xe hủ tiếu bằng gỗ
có vẽ hình như các tuồng hát Hồ Quảng ngày càng ít đi giữa phố thị. Thế
nên, kiểu xe hủ tiếu kiểu Tàu với bàn ăn, bàn chế biến, chỗ ngồi khiêm tốn dành cho khách... tất cả tụ họp
trên cùng một chiếc xe khiến nhiều người không khỏi rưng rưng
nhớ lại tuổi thơ.
Xe hủ tiếu kiểu Tàu này từng một thời xuất hiện ở mọi ngõ ngách trong Sài Gòn. Càng ngày chúng càng vắng bóng đi.
Ngồi trên một cái ghế, ngay trước mặt là nồi nước lèo to đùng, phả khói
thơm nức của nước dùng khi mở vung, nhìn người bán trụng từng vắt mì
ngay trước mặt, thực khách càng háo hức chờ đợi phần ăn của mình.
Những hình ảnh trang trí của chiếc xe này tuy đã bạc màu, phai gần hết nét nhưng người ta vẫn có thể nhận thấy sự hoa mỹ và tinh tế của chúng.
Kĩ thuật để nấu một nồi nước lèo trong không hề đơn giản, phải canh đúng thời điểm để cho xương, cho thịt vào, canh lửa, mở vung, hớt bọt, canh đúng thời điểm vớt thịt xương ra để làm sao mà nước đã vừa đủ ngọt nhưng không bị tiết thịt làm đục đi. Giá trị hủ tiếu mì ở đây còn nằm ở sợi mì. Sợi mì đặc trưng hiếm đâu bằng. Sợi mì này trong nhè nhẹ, mảnh và khi cắn vào giòn giòn, thơm thơm, rất quyến rũ và cứ muốn nhai mãi không thôi.
Tô hủ tiếu mì hoành thánh hấp dẫn đến thìa nước lèo cuối cùng, khiến người ăn xong cứ thòm thèm mãi.
Giấm là chai có nắp màu đỏ và nước tương có nắp màu xanh lá cây. Đây là một quy định bất thành văn trên tất cả những xe hủ tiếu Tàu.
Sau khi đi chơi ở quận trung tâm, nếu thấy bụng cồn cào, đừng ngần ngại rẽ xe vào con hẻm yên ắng ngay bên trục đường nhộn nhịp nhất nhì thành phố, ăn một tô hủ tiếu mì nóng ngon, lạ này. Chắc chắn, bạn sẽ không phải tiếc công.