Các bị cáo bị đưa ra xét xử bao gồm:
Cựu lãnh đạo, cán bộ CDC Hà Nội: Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Vũ Hà Thanh, Nguyễn Thị Kim Dung (Trưởng phòng Tổ chức), Nguyễn Ngọc Quỳnh (Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ), Hoàng Kim Thư (Kế toán trưởng) và Lê Xuân Tuấn (cán bộ). Trong số này ông Cảm được xác định đóng vai trò chủ chốt.
Cựu lãnh đạo, nhân viên doanh nghiệp: Nguyễn Ngọc Nhất (Nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST), Nguyễn Trần Duy (Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) và Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông).
Tại phiên tòa, bị cáo Cảm tỏ ra ăn năn hối hận về hành vi phạm tội, nhận trách nhiệm về phần mình.
Tuy nhiên, bị cáo cho rằng, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên rất cần sớm phải có thiết bị, Cựu Giám đốc CDC Hà Nội cũng thừa nhận có biết vi phạm quy định nhưng vì áp lực khẩn trương phải có thiết bị phòng chống dịch nên tự quyết và chọn nhà thầu thiết bị.
Sau khi cho biết lý do, ông Cảm kể lại quá trình mua thiết bị xét nghiệm Covid-19, cựu giám đốc CDC Hà Nội đã nhờ bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech) giới thiệu các mẫu máy.
"Anh Nhất chào hàng tôi 3 mẫu máy và bị cáo chọn loại xuất xứ từ Ý. Nhưng sau khi kiểm tra, bị cáo nhận thấy loại máy này tốn quá nhiều thời gian để đồng bộ nên bị cáo không duyệt. Sau đó bị cáo liên hệ với chị Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông) vì công ty này có hệ thống máy xét nghiệm đáp ứng được yêu cầu mà CDC đang tìm", bị cáo Cảm nói.
Tuy nhiên, theo bị cáo Cảm, sau buổi gặp đó Công ty thiết bị y tế Phương Đông từ chối bán máy cho CDC Hà Nội mà không rõ lý do.
Còn về việc ăn chia tiền thì ông Cảm phủ nhận: "Bị cáo chưa từng nghe đến việc ăn chia tiền".
Đến lượt Nguyễn Ngọc Nhất trả lời những câu hỏi liên quan đến "hoa hồng", bị cáo khẳng định không có chuyện bàn bạc nâng giá và phản bác kết luận của cơ quan tố tụng về việc bị cáo thỏa thuận chi cho ông Cảm 15% giá trị gói thầu.
Theo lời khai của bị cáo Nhất, sau khi CDC Hà Nội từ chối mua thiết bị mà anh ta chào hàng, bị cáo đã hẹn gặp riêng Tuyền.
"Sau khi thỏa thuận, bị cáo thống nhất với Tuyền sẽ bán hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động cho CDC Hà Nội với giá 7 tỷ. Để đúng quy định, bị cáo thuê pháp nhân của Công ty vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST và bị cáo Đào Thế Vinh (Giám đốc Công ty MST) đại diện để đấu thầu", Nhất nói.
Theo hồ sơ vụ án, vào đầu năm 2020, CDC Hà Nội mua hệ thống Realtime PCR tự động để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19. Việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo hình thức chỉ định thầu do thời gian gấp.
Trong quá trình này ông Nguyễn Nhật Cảm đã cấu kết với một số doanh nghiệp tư nhân gian lận giá bán thiết bị. Sau đó, ông Cảm chỉ đạo cấp dưới hợp thức toàn bộ quy trình chỉ định công ty trúng thầu.
Cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm khi nhập về Việt Nam có giá hơn 2 tỷ đồng. Song, các bị can đã thống nhất nâng giá nhập khẩu, sau đó mua bán lòng vòng. Cuối cùng, CDC Hà Nội mua thiết bị với giá cao gấp nhiều lần.
VKS xác định các thiết bị y tế được mua với giá tổng cộng hơn 4 tỷ, nhưng các bị can đã nâng khống lên trên 9 tỷ. Hành vi phạm tội của Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỷ.
Trong vụ án, Nguyễn Nhật Cảm chịu trách nhiệm chính khi chỉ định thầu gói thầu mua sắm thiết bị phòng, chống dịch. Ông Cảm đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm thiết bị y tế.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng chưa có căn cứ để xác định các bị can có tư lợi trong việc mua bán số thiết bị y tế.