Tại phiên toà chiều 25/5, các bị cáo liên quan vụ án gian lận thi cử kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La tiếp tục phần tự bào chữa cho bản thân. Đáng chú ý, các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt mà đại diện VKS đã đề nghị trước đó.
Trong thời gian làm việc buổi chiều, bị cáo Trần Xuân Yến (Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La) tiếp tục với phần tự bào chữa của mình. Đứng trước bục bị cáo, Yến không nhất trí với cáo trạng của VKSND cáo buộc bị cáo lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo lời của bị cáo, cơ quan tố tụng quy kết Yến có động cơ cá nhân khác để nhận thông tin 13 thí sinh nhằm sửa bài, nâng điểm là không đúng. Bị cáo Yến lập luận rằng hồ sơ của cơ quan an ninh điều tra đã kết luận không ai nhờ bị cáo nâng điểm, bị cáo cũng không có động cơ vụ lợi nào trong vụ án.
Việc VKS cáo buộc bị cáo chịu trách nhiệm chính giám sát thành viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm kết quả bài thi là không có cơ sở pháp lý. Cụ thể, bị cáo Yến cho rằng trong kỳ thi năm 2018, Thông tư số 04 của Bộ GD&ĐT quy định quá trình chấm thi phải bố trí bộ phận giám sát gồm công an và thanh tra.
"Như vậy, bị cáo là đối tượng được giám sát, không phải người giám sát", Yến nói.
Tiếp đó, bị cáo Yến trình bày rằng với cáo buộc đồng thuận, cho phép các bị cáo khác rút bài thi trắc nghiệm mang về nhà để sửa nâng điểm, quy kết này không đúng. Bởi lẽ, cơ quan điều tra và lời khai các bị cáo khác đã khẳng định không ai được bị cáo chỉ đạo làm việc này.
Bên cạnh đó, bị cáo Yến cũng bác bỏ luận tội của đại diện VKS về cáo buộc chỉ đạo Nguyễn Thị Hồng Nga xóa dữ liệu máy tính liên quan việc nâng điểm thi sau khi có đoàn thanh tra
Tự bào chữa, Đặng Hữu Thuỷ (cựu Hiệu phó trường THPT Tô Hiệu) nêu trong bản cáo trạng có quy kết Thuỷ đã nhận thông tin của 4 thí sinh để nhờ nâng điểm.
Thuỷ nói, tại các bản khai và tại toà, bị cáo chỉ nhận thông tin của 4 thí sinh để xem điểm chứ không phải nâng điểm. Bị cáo Đặng Hữu Thuỷ cũng nói rằng, trong bản cáo trạng cáo buộc Thuỷ cùng Nga xoá và quét dữ liệu.
Tuy nhiên, theo Thuỷ việc xoá và quét dữ liệu là 2 việc làm hoàn toàn khác nhau.
"Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, bị cáo không được phân công nhiệm vụ sử dụng máy tính nên bản thân bị cáo không thể sử dụng máy tính để xoá dữ liệu.
Còn hành vi quét dữ liệu, bị cáo có tham gia cùng với Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) với tư cách là người hỗ trợ. Bị cáo chỉ tham gia là người đưa bài thi vào máy quét nên đề nghị HĐXX xem xét việc này.
Bị cáo có 2 con đang theo học, vợ lương rất thấp, hoàn cảnh gia đình cũng gặp nhiều khó khăn nên mong muốn HĐXX xem xét về khoản tiền phạt nộp bổ sung. Mức phạt mà VKS đề nghị là rất nặng đối với bị cáo, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo", Thuỷ nói.
Sau phần tự bào chữa của bị cáo Thuỷ, HĐXX yêu cầu bị cáo Đinh Hải Sơn đứng trước bục khai báo. Nói lời tự bào chữa cho mình, bị cáo Sơn nói trong quá trình điều tra, xét xử bị cáo đã ăn năn, hối cải và nhận ra tội lỗi của mình nên mong muốn HĐXX cân nhắc và giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo ở cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung.
Kết thúc phần tự bào chữa của bị cáo Sơn, bị cáo Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai, Sơn La) được yêu cầu đứng lên bục khai báo. Do sức khoẻ yếu, mới mổ xong, bị cáo ngồi tại chỗ trình bày phần tự bào chữa. Nói lời tự bào chữa, bị cáo Thành nói đã nhận thức rõ việc làm sai trái của mình.
"Bị cáo cảm ơn cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã giúp bị cáo nhận thức rõ về hành vi sai trái của mình.
Hiện tại bị cáo đang ốm, thời gian ốm chữa bệnh còn dài. Về vấn đề này, gia đình đã nộp hồ sơ cho cơ quan điều tra, hiện tại còn thiếu 1 bệnh án đang nằm viện nên bệnh viện chưa cho sao lưu bệnh án. Bản thân bị cáo đang nằm viện, chi phí lớn nên không có điều kiện để thực hiện hình phạt bổ sung.
Qua sự việc xảy ra, bị cáo cảm thấy rất ân hận, ăn năn, hối cải, thành khẩn khai báo trước cơ quan an ninh điều tra để mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo xin HĐXX xem xét giảm nhẹ tội cho bị cáo được hưởng án treo", bị cáo Thành tự bào chữa.
Tiếp tục phần bào chữa, bị cáo Lò Thị Trường (trú tại TP Sơn La) đồng ý về bản luận tội của VKS. Đồng thời, bị cáo mong muốn xin được giảm nhẹ mức hình phạt mà VKS đã đề nghị.
"Bị cáo là người nông dân, hiểu biết pháp luật kém. Hành vi phạm tội của bị cáo là thương con, muốn con được học hành đến nơi, đến chốn. Nay bị cáo đã hiểu được hành vi vi phạm của mình...", Trường nói.
Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng) trong phần tự bào chữa nói, tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn, trong khi thi hành công vụ", bị cáo đã thấy rất rõ và không có ý kiến gì.
"Hành vi phạm tội của mình, bị cáo hoàn toàn bị động và làm theo người khác. Về hành vi nhận hối lộ, bị cáo đã nhận thức rõ được hành vi của mình và sau đó đã khắc phục hậu quả.
Bị cáo cũng đã cống hiến 28 năm qua nên mong muốn HĐXX giảm nhẹ khung hình phạt cho bị cáo", bị cáo Sọn nói.
Bổ sung về phận tự bào chữa của mình, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) nói rằng tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", bị cáo phạm tội là đồng phạm, phạm tội do có sự chỉ đạo, cho phép, đồng thuận của các lãnh đạo.
"Việc làm của bị cáo là hoàn toàn bị động do lãnh đạo cấp trên sai khiến, do nhận thức còn hạn chế và nể nang lãnh đạo", bị cáo Nga nói.
Về tội danh nhận hối lộ, số tiền mà bị cáo đã nhận do Trần Văn Điện cảm ơn. Sau đó, bị cáo đã giao nộp số tiền này cho cơ quan điều tra trước khi bị khởi tố về tội danh nhận hối lộ nên mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
"Trong quá trình điều tra, bị cáo là người rất thành khẩn, có điều gì đều cung cấp hết, không thiếu gì, khai đúng hết từ đầu đến cuối và không chối bỏ gì trách nhiệm của bản thân nếu vào người khác họ có thể chối bỏ nhưng bị cáo đã nhận hết.
Quá trình điều tra, bị cáo đã rất thành khẩn khai báo toàn bộ hành vi phạm tội của mình nên mong HĐXX giảm nhẹ mức án cho bị cáo để có thể sớm trở về với gia đình", Nga nói.