Ngày 18-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Ngọc Duy - Chánh văn phòng TAND TP HCM cho biết hiện văn phòng toà án đã nhận được một số đơn kiến nghị xem xét lại tư cách tham gia tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án. Trong đó, có đơn kiến nghị của ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đinh Thị Lan…

Họ đề nghị HĐXX xác định tư cách tham gia tố tụng của họ là bị hại của bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) cùng các đồng phạm.

Xét xử vụ bà Nguyễn Phương Hằng: Có triệu tập bà Đặng Thị Hàn Ni đến toà? - Ảnh 1.

Chánh Văn phòng TAND TP HCM Phạm Ngọc Duy trả lời Báo Người Lao Động

Ông Duy cho biết những đơn kiến nghị này đã được Văn phòng TAND TP chuyển đến HĐXX vụ án và sẽ được HĐXX xem xét, giải quyết tại phiên xử. Phiên toà dự kiến diễn ra ngày 21-9.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Huỳnh Minh Hưng, bà Trần Thị Thủy Tiên cùng chồng Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà, ông Huỳnh Uy Dũng, ông Nguyễn Đình Kim được triệu tập tới tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Trong đó, bà Đặng Thị Hàn Ni đang bị cơ quan chức năng tạm giam để điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân ở một vụ án khác.

Ông Duy cho biết trường hợp bà Hàn Ni vẫn được triệu tập đến phiên xét xử bà Phương Hằng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trao đổi thêm về phiên xử, ông Duy nhận định phiên xử vụ án có điểm "đặc biệt" vì bị cáo Phương Hằng và nhiều người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan là người nổi tiếng hoặc nghệ sĩ nên nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.

Vụ án được đưa ra xét xử công khai, tuy nhiên, do một số điều kiện khách quan, như trụ sở TAND TP HCM đang được tu sửa,… nên toà án không thể bố trí nhiều chỗ ngồi cho người dân đến dự khán.

Chánh văn phòng TAND TP thông tin người dân quan tâm đến phiên tòa có thể theo dõi qua báo đài, tránh tụ tập trước cổng trụ sở tòa án, làm ảnh hưởng đến việc lưu thông, an ninh khu vực.

Theo cáo trạng truy tố bổ sung của VKSND TP HCM, bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm thông qua các tài khoản mạng xã hội, phát sóng trực tiếp (livestream) 57 buổi, có nội dung xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự nhiều cá nhân...

Đối với ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam; chồng bà Phương Hằng), cáo trạng xác định trong 57 buổi livestream của bà Phương Hằng, ông Dũng tham gia 1 buổi vào ngày 31-12-2021 (có nội dung xúc phạm theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Đức Hiển).

Nhưng video thu giữ thể hiện ông Dũng tham dự sau khi bà Phương Hằng đã chấm dứt việc phát ngôn xúc phạm ông Hiển (đã giám định thời lượng phát ngôn của bị can Phương Hằng xúc phạm ông Hiển có thời lượng gần 1 phút) và không có tài liệu để xác định trong buổi livestream ngày 31-12-2021 ông Dũng có phát ngôn xúc phạm ông Hiển.

Ngoài ra, hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm được thực hiện 26 lần tại nhà riêng; 12 lần tại Khu du lịch Đại Nam (tỉnh Bình Dương); 2 lần tại Chi nhánh Công ty Cổ phần Đại Nam (tỉnh Bình Dương), 7 lần trên ô tô và 1 lần tại Hà Nội.

Cơ quan điều tra xác định vì ông Huỳnh Uy Dũng là chồng của bà Phương Hằng nên bà Phương Hằng có quyền sử dụng các địa điểm, ô tô trên mà không phải thông qua ông Dũng.

Làm việc với các cá nhân có liên quan, công an xác định tại nhiều trận đua thú ở trường đua Đại Nam cũng đã có việc đặt tên người nổi tiếng, nhân vật hoạt hình, tên phim cho chó đua, ngựa đua như: Ronaldo, Messi, Nobita, Tây Du Ký…

Còn việc đặt tên cho thú đua vào ngày 19-3-2022 là do bà Phương Hằng yêu cầu Lê Thị Thu Hà nhắn cho bị can Huỳnh Công Tân dẫn chương trình lấy tên nhiều cá nhân... đặt tên chó đua, ngựa đua. Khi buổi livestream diễn ra thì ông Dũng mới biết việc này.

Cơ quan điều tra xác định không đủ cơ sở để xử lý hình sự ông Huỳnh Uy Dũng với vai trò đồng phạm giúp sức cho bà Hằng trong các buổi livestream. Do đó, VKSND TP HCM nêu quan điểm việc CQĐT không khởi tố ông Dũng là có căn cứ.