Nhắc đến Kyte Baby, nhiều bà mẹ bỉm sữa có thể không thấy lạ lẫm bởi đây là nhà sản xuất các sản phẩm quần áo dành cho trẻ em từ nguyên liệu tre thân thiện, nổi bật nhất là loại túi ngủ có thể có giá hơn 55 USD (1,3 triệu VNĐ) một chiếc.

Trên trang Linkedin của thương hiệu này có giới thiệu: "Người sáng lập Kyte Baby, Ying Liu, có con gái mắc bệnh chàm mãn tính. Cô đã nghiên cứu nhiều chất liệu chất lượng để thay thế quần áo gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của bé".

Nghiên cứu của Ying đã đưa cô đến với những đặc tính êm dịu và bền vững của chất liệu tre. Và Kyte Baby đã chính thức ra mắt vào năm 2014. Ngay cả cái tên Kyte Baby, cũng là một sự ám chỉ vui nhộn cho hoạt động thả diều, nhằm gợi lên cảm giác ngây thơ, tự do và trở về với thiên nhiên.

Ngày nay, dòng sản phẩm của công ty có quần áo bằng tre dành cho trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và cả các bà mẹ.

Xin làm ở nhà để chăm con sinh non 22 tuần, bà mẹ nhận quyết định sa thải phũ phàng từ công ty và cái kết gây tranh cãi - Ảnh 2.

Kyte Baby nổi tiếng với sản phẩm túi ngủ cho trẻ em.

Là một công ty sản xuất đồ cho trẻ nhỏ, đề cao sự thoải mái dễ chịu cho các em bé nhưng chính Kyte Baby lại dính vào vụ lùm xùm không ngờ liên quan đến sự hỗ trợ cho các bà mẹ mới có con.

Câu chuyện này đang thu hút sự chú ý và tranh cãi của dư luận. Câu hỏi đặt ra là liệu thương hiệu cho trẻ em như Kyte Baby có cư xử quá phũ phàng với nhân viên của mình?

Bị sa thải phũ phàng

Chuyện xảy ra với bà mẹ tên Marissa Hughes, từng là nhân viên của Kyte Baby. Marissa đã trải qua nhiều năm vô sinh và từng phải thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), thụ tinh trong tử cung (IUI) và sảy thai trước khi quyết định nhận con nuôi.

Điều ngặt nghèo hơn là bé trai cô nhận nuôi sinh non ở tuần thứ 22, chỉ nặng 400 gram và được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (NICU).

Tình thế khó khăn, Marissa đã thông báo cho công ty và xin phép được làm việc từ xa (không đến văn phòng) để được gần con trai Judah bé nhỏ. Tuy nhiên, câu trả lời mà Marissa nhận được là chính sách của công ty chỉ cho phép làm việc từ xa trong 2 tuần. Nếu cô không thể quay lại văn phòng, cô sẽ bị sa thải. Cuối cùng, công ty đã sa thải Marissa.

Xin làm ở nhà để chăm con sinh non 22 tuần, bà mẹ nhận quyết định sa thải phũ phàng từ công ty và cái kết gây tranh cãi - Ảnh 3.

Marissa và chồng bên con trai Judah.

Câu chuyện sau đó đã lan truyền với phản ứng dữ dội khiến Giám đốc điều hành Kyte Baby, Ying Liu, phải xin lỗi trong một video trên mạng xã hội TikTok.

Liu nói: "Tôi muốn lên đây để gửi lời xin lỗi chân thành tới Marissa về cách thông báo và xử lý đề nghị xin làm từ xa của cô ấy trong hành trình đáng kinh ngạc của việc nhận con nuôi".

Liu cho biết thêm rằng cô đã cố gắng liên hệ trực tiếp với Marissa. Liu nói thêm: "Kyte Baby tự hào là một công ty hướng đến các gia đình. Chúng tôi đối xử bình đẳng với tất cả mọi ông bố bà mẹ, dù là người con đẻ hay người nhận con nuôi. Bằng cả kinh nghiệm cá nhân và nghề nghiệp của mình, tôi dành sự tôn trọng cho trẻ sơ sinh, gia đình và cộng đồng những người nhận con nuôi".

Liu nhận trách nhiệm về việc "giám sát" nhân sự khiến Marissa "cảm thấy không được hỗ trợ".

Liu nói thêm: "Như đã đề nghị ban đầu, chúng tôi sẽ sắp xếp cho cô ấy một vị trí bất cứ khi nào cô ấy quyết định quay lại làm việc".

Xin làm ở nhà để chăm con sinh non 22 tuần, bà mẹ nhận quyết định sa thải phũ phàng từ công ty và cái kết gây tranh cãi - Ảnh 4.

Giám đốc điều hành Kyte Baby, Ying Liu, đã xin lỗi Marissa trong video trên mạng xã hội TikTok.

Vị CEO sau đó đã xin lỗi cộng đồng khách hàng của thương hiệu Kyte Baby. Liu nói: "Tôi hiểu nếu bạn không muốn quay lại làm việc nữa nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục trả lương cho bạn như thể bạn đang làm việc từ xa cho chúng tôi, trong số giờ mà bạn đã đề xuất cho đến khi bạn sẵn sàng quay lại. Và vị trí ban đầu của bạn luôn ở đó cho đến khi bạn quay lại".

Sau phát ngôn của Ying Liu, Marissa đã quyết định cần phải lên tiếng để chia sẻ quan điểm của mình.

"Tôi chưa bao giờ có ý định nghỉ việc. Tôi sẵn sàng làm việc ngay tại phòng NICU để được ở gần con!", cô nói với tờ Today.com. "Tôi đã nói với họ rằng: 'Việc sa thải đột ngột như thế chẳng khác nào một cú tát vào mặt... Con tôi đang chiến đấu để giành lại sự sống'".

"Tất cả những gì quan trọng với tôi bây giờ là con trai. Tôi dành phần lớn thời gian trong ngày để nhìn chằm chằm vào chiếc lồng ấp nhỏ bé nơi thằng bé đang nằm. Lời cầu nguyện lớn nhất của chúng tôi là mong thằng bé được bình an".

Tuy nhiên, một người phát ngôn của Kyte Baby nói rằng Liu "không cảm thấy công việc của Marissa có thể thực hiện được từ xa và nếu cô không thể quay lại văn phòng sau thời gian thai sản như quy định thì sẽ buộc thôi việc". Người này nhắc lại rằng Kyte Baby đã nói với Marissa "sẽ có vị trí trống khi cô sẵn sàng quay trở lại".

Kyte Baby có vi phạm luật?

Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất trên thế giới không đảm bảo nghỉ phép có lương, nhưng người sử dụng lao động phải cho phép nghỉ thai sản không lương và mỗi tiểu bang có chính sách riêng. 13 tiểu bang và Washington DC đã thông qua luật về chế độ nghỉ phép gia đình có lương.

Ở cấp liên bang, có Đạo luật nghỉ phép vì lý do gia đình và y tế (FMLA), cho phép nhân viên được nghỉ phép không lương 12 tuần sau khi sinh con, bao gồm cả các cha mẹ nuôi. Sau đó, nhân viên phải quay trở lại công việc tương đương.

Tờ Thông tin của Bộ Lao động Mỹ chỉ rõ: "Công việc tương đương có nghĩa là một công việc gần như giống hệt với công việc ban đầu của nhân viên, về mức lương, phúc lợi cũng như các điều khoản và điều kiện việc làm khác".

Theo báo cáo, Marissa không đủ điều kiện FMLA. Trong khi đó, Kyte Baby có trụ sở tại Texas, nơi không có sự bảo vệ của luật pháp tiểu bang.

Vậy nên có thể kết luận Kyte Baby không vi phạm luật.

Xét về mặt đạo đức

Nghiên cứu cho thấy khoảng một nửa số bậc cha mẹ có con phải nằm trong phòng NICU phải trải qua sự trầm cảm, lo lắng và chấn thương đáng kể.

Trong khi đó, Kyte Baby có rất nhiều cuộc trò chuyện vui vẻ về việc hỗ trợ những người mới làm cha mẹ trên trang web của họ.

"Bởi vì khi bé ngủ ngon hơn, bạn cũng vậy", trang chủ viết. "Là bạn đồng hành của các ông bố bà mẹ, chúng tôi muốn con bạn ngủ ngon hơn để bạn cũng có thể ngủ ngon hơn. Chúng tôi sở hữu thứ có thể giúp đỡ".

Nhưng có người cười nhạo lời giới thiệu đó trên trang web bằng bình luận: "Bạn có biết điều gì giúp cha mẹ được nghỉ ngơi nhiều hơn không? Nghỉ phép có lương để họ có thể ở bên con và có thể ngủ khi con ngủ thay vì làm việc hoặc lo lắng về tiền bạc".

Câu chuyện lùm xùm của Kyte Baby và nhân viên công ty đã làm dấy lên tranh cãi. Nhiều người cho rằng điều quan trọng là các công ty phải có trách nhiệm đối xử tôn trọng với nhân viên có con nhỏ.

Khi các công ty như Kyte Baby đưa ra nội dung quảng cáo tự coi mình là "bạn đồng hành" của phụ huynh nhưng lại không cung cấp sự hỗ trợ cho chính nhân viên của mình thì đó là một vấn đề.

Nguồn: Parents