Xin lỗi vì đã mắng oan con - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Dù chúng ta có nói với con cả trăm ngàn lần rằng mọi điều cha mẹ làm đều vì muốn tốt cho con nhưng con cảm thấy thế nào thì cha mẹ lại không biết, thậm chí không quan tâm. Nhiều cha mẹ luôn nghĩ:

Trẻ con chóng quên! Và cha mẹ có quyền miễn trừ phải xin lỗi. Nên có những đứa trẻ lớn lên bằng mặc định: Cha mẹ luôn đúng. Đến mức lâu dần đứa trẻ quên cả sự phản kháng, biến việc nghe lời thành điều tự nhiên của chúng.

Mai này ra đời, chúng nghe lời hết mọi người. Chúng đánh mất đi năng lực phản biện và sẽ giống chiếc máy đáp ứng mọi yêu cầu (và cả những sai trái) của người khác. Con sẽ sống cuộc đời luôn tuân lệnh bất kể đúng sai.

Nếu cha mẹ biết rằng lời xin lỗi của mình với con cái có giá trị thế nào, liệu cha mẹ có sẵn sàng nói lời xin lỗi con? "Khi cha mẹ xin lỗi con, lúc đó con cảm thấy rất hạnh phúc, bao nhiêu giận dỗi đều tan biến…"- một cô bé học sinh lớp 7 nói như vậy và rất nhiều cô bé, cậu bé khác đồng tình.

Cha mẹ có biết rằng con cái chúng ta hạnh phúc thế nào khi được cha mẹ mình xin lỗi không? Hạnh phúc của việc mình được cha mẹ trân trọng, được coi như một người lớn chứ không còn là đứa trẻ con mà cha mẹ muốn đối xử với mình sao cũng được.

Giá trị của lời xin lỗi từ cha mẹ còn nhiều hơn nữa trong hành trình trưởng thành cùng con. Cha mẹ biết nói lời xin lỗi con cũng đã là dạy con biết xin lỗi khi con làm sai. Con sẽ học được từ cha mẹ việc nhận lỗi thay vì đổ lỗi, không xấu hổ khi phải nói lời xin lỗi.

Một đứa trẻ như vậy sẽ lớn lên và trở thành một người lớn chính trực, có được dũng khí và là một người có trách nhiệm.

Xin lỗi con, tưởng là ba tiếng đơn giản nhưng để nói ra được không phải cha mẹ nào cũng làm được. Người lớn hay xấu hổ nếu phải nói lời xin lỗi, thấy mất đi cái uy của người trên mà quên rằng xin lỗi không làm mất đi cái uy. Không xin lỗi mới làm mất đi chữ tín.

Cha mẹ ạ, học cách xin lỗi con bắt đầu bằng việc tôn trọng con như một người lớn. Cư xử với con bằng sự tôn trọng sẽ giúp con tự tin hơn, đáp lại cách cư xử của cha mẹ bằng ứng xử của mình.

Để con không chỉ yêu thương cha mẹ vì đó là cha mẹ của mình mà còn kính trọng và tin tưởng ở cha mẹ mình. Có cha mẹ tôn trọng mình, các con cũng sẽ nhớ được giá trị bản thân, tự trọng hơn, không cho phép bất cứ ai được cư xử thiếu tôn trọng mình.