Còng lưng hút sữa đem tặng

Chị Nguyễn Mai Hương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết chị sinh con xong thì sữa về rất nhiều. Vì bé ăn không hết lại sợ tắc sữa nên ngày nào chị Hương cũng còng lưng ngồi hút sữa, mua túi zip tiệt trùng về bỏ vào rồi cấp đông tủ lạnh. Sau đó chị mang sữa đi tặng các mẹ cần sữa trong nhóm trao tặng sữa mẹ.

Theo chị Hương, chuyện đi tặng sữa cũng dở khóc dở cười, có bé ăn sữa của chị tăng cân, khỏe mạnh thì mẹ bé rối rít cảm ơn. Thế nhưng cũng có bé ăn xong bị đi tướt hay vô tình có vấn đề gì là mẹ bé quay ra chê sữa của chị không tốt.

Những tình huống đó khiến chị cảm thấy mình làm ơn mắc oán. Trong khi chồng chị cũng không thích vợ cho sữa người khác vì có lần người nhận sữa còn nghi ngờ hỏi vợ anh có mắc bệnh gì không.

Chị Nguyễn Việt Hà (Hà Nội) tâm sự khi chị sinh con lần đầu, chị rất quan tâm tới vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ. Đọc được những tài liệu có uy tín, chị còn cẩn thận ghi lại quy trình hút, bảo quản và rã đông sữa mẹ.

Khi chị Hà tham gia vào các nhóm cho tặng sữa mẹ, nhìn thấy rất nhiều mẹ chụp tủ sữa chật cứng kèm chia sẻ về quy trình bảo quản và rã đông sữa thì bà mẹ này lo ngại thật sự về tính vệ sinh. Nhiều người còn cho rằng bỏ sữa đông lạnh vào máy hâm 40 độ để 3 - 4 tiếng con dậy có sữa ăn luôn.

Chị Hà lấy ví dụ về một bà mẹ ở Linh Đàm (Hà Nội) có con 17 tháng tuổi. Ngay sau sinh con bà mẹ này mua hẳn 1 tủ lạnh to về để trữ sữa dành cho con ăn dần. Cho rằng dòng sữa mẹ 6 tháng đầu tiên là tinh tuý nhất nên bà mẹ này ngày nào cũng vắt sữa cho vào túi zíp cấp đông. Đến nay, sau 1 năm đi làm trở lại nhưng con nhỏ vẫn sử dụng sữa mẹ từ nguồn sữa tích trữ trước đó.

Sau này chị Hà tự rút khỏi các hội nhóm vì thấy nhiều bà mẹ quá cuồng tín và thiếu kiến thức về sữa mẹ.

Xin sữa mẹ lung tung trên mạng: 'Bắt được vàng' hay vô tình rước về nguy cơ sức khỏe với con yêu? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Không nên xin sữa mẹ lung tung

TS Nguyễn Hữu Trung – giảng viên Bộ môn Sản, trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, việc cuồng sữa mẹ quá đà đã dẫn tới trào lưu trao đổi, cho tặng sữa rầm rộ trên mạng.

Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ nhỏ nhưng một số trường hợp mẹ không thể cho con bú thì vẫn cần cho con dùng sữa công thức, việc dùng sữa công thức đúng độ tuổi là an toàn cho trẻ. Ví dụ cho tình huống này như: bà mẹ bị ung thư, bà mẹ bệnh nhiễm trùng, viêm nhiễm nặng hoặc bà mẹ không thể tiết sữa.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, các bà mẹ không nên vì những trở ngại đó của mình mà tìm kiếm nguồn sữa mẹ khác từ trên mạng, các hội nhóm không rõ nguồn gốc. Bởi vì việc xin sữa lung tung lợi ích thì ít mà nguy cơ thì nhiều, các mẹ khó biết rõ nguồn gốc sữa, rồi bản thân người mẹ cho sữa đó có an toàn không, liệu họ có mắc bệnh gì hay không...

Bác sĩ Trung cho biết, sữa mẹ có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc tủ lạnh. Thời gian bảo quản sữa tối đa sau khi lấy ra khỏi cơ thể mẹ tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường bảo quản. Nói chung, nhiệt độ bảo quản càng thấp, thời gian bảo quản cho phép càng dài.

Thời gian bảo quản có thể là 4 giờ nếu ở nhiệt độ 80 độ F (tương đương 27 độ C), hoặc 10 giờ nếu ở nhiệt độ 70 độ F (tương đương 21độ C), hoặc 24 giờ nếu ở nhiệt độ 60 độ F (tương đương 16 độ C).

Nếu bảo quản trong tủ lạnh, thời gian cho phép có thể kéo dài hơn: trong 5 ngày ở nhiệt độ 4 độ C (vùng ngoài ngăn đá tủ lạnh) hoặc 2 tuần nếu để trong ngăn đá tủ lạnh.

Các bà mẹ có thể làm ấm sữa bằng cách ngâm bình sữa trong một chén nước ấm, không được sử dụng nước sôi hoặc lò vi sóng. Điều cần lưu ý là khi cho bé bú sữa, nên sử dụng cốc và thìa, tránh sử dụng núm vú cao su vì điều này có thể làm trẻ bỏ bú mẹ về sau.

Hiện một số bệnh viện có xây dựng ngân hàng sữa mẹ nhưng ngân hàng sữa này đều phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Bà mẹ muốn tặng sữa cho ngân hàng cần được sàng lọc loại bỏ nguy cơ bệnh truyền nhiễm và các vấn đề khác.

Sữa mẹ là tốt nhất với trẻ nhỏ nhưng qua 6 tháng tuổi trẻ cần tập ăn dặm để bổ sung dinh dưỡng phù hợp với quá trình phát triển.