Con đường để xóa sổ Covid-19 có lẽ sẽ rất dài và đầy trắc trở. Nhiều quốc gia hiện nay chỉ trông chờ vào vaccine, với hy vọng đó là những mũi tiêm thần kỳ tạo ra miễn dịch cộng đồng đủ lớn để virus corona không tìm được người phù hợp mà lây nhiễm, qua đó giảm tỉ lệ lây lan và chặn đứng dịch bệnh.
Nhưng ngay cả khi có những loại vaccine hiệu quả cao, việc chạm đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng thực sự khó mà xảy ra sớm được. Bởi lẽ, chúng ta không biết mức miễn dịch như thế nào là phù hợp, và liệu vaccine có đủ khả năng tạo ra nó hay không. Và đó là còn chưa tính đến các trường hợp biến chủng kháng được thuốc nữa!
Dẫu vậy, liệu rằng việc xóa sổ dịch bệnh có phải là bất khả thi? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem?
Có dễ dàng để xóa sổ một dịch bệnh?
Câu trả lời thực sự rất khó. Cho đến nay, chỉ có duy nhất một dịch bệnh nguy hiểm ở người được chính thức công nhận đã biến mất, đó là đậu mùa.
Khái niệm "xóa sổ" ở đây có nghĩa số ca nhiễm bệnh giảm về 0 và trong thời gian dài không cần các phương pháp phòng bệnh. Nhưng đậu mùa được giải quyết là nhờ loại vaccine có hiệu quả cao, và nhờ việc con người là vật chủ duy nhất của loại virus này.
Nhưng ngay cả khi đạt được những điều kiện trên, việc xóa sổ dịch bệnh chưa chắc đã xảy ra. Trên thực tế, con người cũng là vật chủ duy nhất của poliovirus (virus gây bại liệt). Bất chấp việc đã có vaccine hiệu quả, bại liệt vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia.
Với SARS-CoV-2 gây Covid-19, mọi chuyện còn khó khăn hơn. Chủng virus này được cho là tồn tại ở dơi, có thể lây lan sang chồn, mèo, gorilla và nhiều loài vật khác. Để xóa sổ chúng, cần phải giải quyết toàn bộ các bể chứa virus khác, mà điều này thì rất khó làm được.
Hơn nữa trong bối cảnh một đại dịch toàn cầu, việc duy trì trạng thái "xóa sổ hoàn toàn" là điều rất khó, bởi nguy cơ virus xâm nhập từ nước ngoài.
Liệu vaccine có thể giải quyết Covid-19?
Đây thực chất là điều khó nhận định. Hiện tại, không ai rõ cần tỉ lệ miễn dịch bao nhiều trong dân số để ngăn virus corona tiếp tục lây lan, hoặc liệu vaccine có đủ hiệu quả để làm được điều đó hay không.
Theo Washington Post, một nghiên cứu đưa ra dự đoán cần 55% - 82% dân số có miễn dịch để ngăn virus lây lan. Đây là tỉ lệ có thể đạt được, dù là bằng vaccine hay từ số người nhiễm và phục hồi. Tuy nhiên trên thực tế, miễn dịch cộng đồng đã không xảy ra với Manaus - thủ phủ bang Amazonas của Brazil, nơi ước tính từng có tới 76% người dân nhiễm bệnh.
Dẫu vậy, vẫn còn có cơ sở để tin vào miễn dịch cộng đồng, khi các bằng chứng cho thấy miễn dịch do vaccine tạo ra có tính bền vững hơn so với việc trực tiếp nhiễm bệnh trước đó.
Hiệu quả của vaccine đến đâu?
Những bằng chứng hiện tại đang cho thấy vaccine có hiệu quả trong việc ngăn chặn người tiêm nhiễm Covid-19, như vaccine từ Pfizer/BioNTech và Moderna cho hiệu quả tới 95%.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đủ số liệu để xác định khả năng vaccine ngăn được việc người nhiễm không phát triệu chứng hoặc lây nhiễm cho người khác. Về cơ bản, tiêu chuẩn vàng đối với vaccine là tạo ra được miễn dịch đủ mạnh, nhưng không phải lúc nào điều đó cũng xảy ra. Như vaccine bệnh sởi có thể ngăn được khả năng lây lan của virus, trong khi vaccine ho gà có thể tự bảo vệ người tiêm, nhưng lại kém hiệu quả trong việc ngăn sự lan truyền.
Dẫu vậy, nghiên cứu của Moderna trên khỉ cho thấy khả năng lây lan của Covid-19 sẽ bị hạn chế sau khi tiêm, dù không phải 100%.
Ảnh hưởng của các biến chủng?
Covid-19 càng lan rộng, tỉ lệ đột biến sẽ càng lớn để tăng khả năng lây lan và bám trụ của chúng, thậm chí là vượt qua được miễn dịch của con người và vaccine. Đây là điều sẽ khiến việc ngăn chặn dịch bệnh trở nên khó khăn hơn.
Những tháng gần đây, đã có những biến chủng mới xuất hiện tại Anh, Nam Phi và Brazil - những nơi dịch bệnh vốn đã rất nghiêm trọng. Chúng hiện tại đang khiến cả thế giới phải lo sợ, bởi một số nghiên cứu cho thấy biến chủng mới (như B.1.1.7 tại Anh) có khả năng lây lan nhanh hơn trước rất nhiều.
Dẫu vậy, các nhà sản xuất cho biết vaccine hiện tại vẫn có tác dụng, dù đang gấp rút đưa ra các phiên bản mới hơn.
Nếu như Covid-19 không thể bị xóa sổ?
David Heymann, chủ tịch Nhóm Tư vấn Chiến lược và Kỹ thuật cho các dịch bệnh của WHO từng cảnh báo rằng đến cuối năm 2020, Covid-19 sẽ sở thành một dạng bệnh đặc hữu.
"Đặc hữu" có nghĩa là virus sẽ tiếp tục chu kỳ lan tỏa trong cộng đồng theo từng thời kỳ, dựa trên các điều kiện ngoại cảnh và hành vi của con người, giống như bệnh cúm mùa vậy.
Hiện tại, chẳng ai rõ chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tuy nhiên, giới nghiên cứu bắt đầu đặt ra một số viễn cảnh, chẳng hạn như việc những người mang theo miễn dịch có thể sẽ không nhiễm nữa trong một khoảng thời gian. Khi ngày càng có nhiều người miễn nhiễm, virus sẽ tìm những đối tượng khả thi hơn, chưa có miễn dịch để lây nhiễm.
Điều này có nghĩa những người chưa được tiêm vaccine (gồm rất nhiều đối tượng như hệ miễn dịch mạnh, bị dị ứng với thành phần thuốc, hoặc chưa đủ tuổi...) sẽ vẫn phải chịu rủi ro. Một số chuyên gia cũng dự đoán khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, độc lực của nó cũng sẽ yếu đi, và chẳng khác gì so với cảm cúm thông thường.