Sự việc một học sinh bị đuối nước, hai cán bộ Công ty CP Nhà hàng Khách sạn Mỹ Khê bơi ra cứu (dẫn đến hai người chết, một người bị tổn thương phổi) trên bãi biển Mỹ Khê sau nửa tháng có vẻ đã lắng xuống. Bãi biển dường như vẫn mang dáng vẻ “bình yên”. Tuy nhiên, ông Lê Đức Chiến, chủ quán Đức Chiến gần đó, cho biết: “Thấy thì êm đó, nhưng bây giờ xuống nước thì có hai chỗ phải coi chừng, chỗ kia, nước đang xoáy mạnh”.
Ông Chiến là người từng trực tiếp cứu nạn trên 20 người. Năm nay 56 tuổi, nên ông không còn khỏe như trước. Ông Chiến thường xuyên đi truyền đạt kinh nghiệm cho đội cứu nạn, hoặc ra cảnh báo các cô cậu học sinh dại dột lao ra biển, bơi về phía vùng nước nguy hiểm. Trước quán ông Chiến là chốt cứu hộ cứu nạn. Trong chốt không một bóng người.
Du khách xuống bãi biển Mỹ Khê thường tắm ở một vùng nước nằm dọc theo bờ biển, chiều dài khoảng 3 km. Theo hướng chỉ của ông Chiến, chúng tôi thấy trong vùng nước đó có những xoáy nước không bọt, mặt nước láng cuồn cuộn như những mom sóng và khu vực này liên tục hình thành những ô nước hình tròn, hình vuông, hình thang.
Ông Chiến giải thích, người dân địa phương gọi đó là “cổ lò”, tức vùng nước xoáy, nếu xuống thì hẫng chân. Đi ra cách bờ khoảng 25 mét là bắt đầu rơi vào vùng nước xoáy, bị cuốn ra xa hơn. Muốn phát hiện cổ lò, xoáy nước thì phải đứng ở vị trí trên chòi cao nhìn xuống.
Theo ông Chiến, nếu là một du khách bình thường đến bãi biển tắm thường sẽ chọn chỗ cổ lò để bơi vào. Lý do là vùng này trông khá êm ái, không có sóng bạc đầu, từ trong bờ nhìn ra giống như một vùng nước bình lặng, mực nước thấp.
Còn những vùng lân cận thì sóng bạc đầu ầm ĩ và thường có tới 6-7 lượn sóng liên tục nối tiếp nhau không ngớt. Hóa ra, chỗ vùng nước tưởng hiền là vùng xoáy ngầm, còn vùng sóng dữ là vùng nước êm.
Cùng lúc xuất hiện 2 cổ lò ngay trên bãi tắm, nhưng vì sao lực lượng bảo vệ không hề cắm biển cảnh báo, không có một tấm bảng hướng dẫn chi tiết về cổ lò ở bãi tắm Mỹ Khê? Nhiều người dân ở vùng biển này khi được hỏi thì lắc đầu và nói giống nhau “bảo vệ có bao giờ cắm biển và nhắc chuyện cổ lò? Có lẽ họ cũng chưa chắc nắm rõ được cổ lò ở Mỹ Khê”.
Cái chết thương tâm của cậu học sinh Nguyễn Trần Gia Khang, học sinh lớp 10 ở thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa và anh Phạm Văn Phó (SN 1977) vào sáng 20/2, có vẻ chưa khiến chính quyền xã Tịnh Khê thúc đẩy việc tăng cường quản lý giám sát bãi biển. Như sáng 4/3, bãi biển không hề có một biển cảnh báo, chòi gác trống trơn.
“Nếu giờ này có người xuống biển tắm thì sẽ đuối nước giống như ngày hôm trước” - một người dân nói. “Cổ lò” là điều mà ông nhắc đi nhắc lại vài lần và khẳng định, cứ ra trúng cổ lò ắt dính đuối nước. Vài nhân chứng có mặt tại thảm nạn xảy ra vào sáng 20/2 cho biết, có hai ca nô cứu nạn, một mô tô nước, hoàn toàn có thể lướt sóng ra cứu 3 người, nhưng nhân viên bảo vệ nói rằng, ca nô bị hỏng, không hoạt động được.
Từng xảy ra nhiều vụ đuối nước trên bãi biển này. Năm 2018 có vụ sóng cuốn trôi 5 thanh niên là anh em họ hàng, kết quả cứu được 2 người. Tiếp đến là 5 em học sinh tắm biển bị thụt hố sâu, cứu được 2 em, 3 em tử nạn.
Vụ việc 3 tân sinh viên bị đuối nước tử vong tại bãi biển Mỹ Khê vào ngày 7/8/2018 từng gây rúng động. Báo chí liên tục chỉ ra những thiếu sót trong công tác bảo vệ, trích nhiều ý kiến của người dân địa phương chỉ ra những thời điểm vùng biển này có “hố đen” là nước xoáy. Vậy nhưng rồi vụ cứu người đuối nước vừa qua, ca nô không thể rời bãi là một câu hỏi nhức nhối.