Ngày 11/5, lãnh đạo Công an TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang cho biết đã nắm được vụ việc có nhóm người dùng xung điện bắt cá phóng sinh.
“Tôi sẽ chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức truy bắt, xử lý thực trạng này”, vị lãnh đạo Công an TP. Mỹ Tho thông tin.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện clip hơn 6 phút quay cảnh sư thầy vừa phóng sinh khoảng 3 tấn cá trê xuống sông Tiền (thuộc địa bàn phường 1, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) thì bị nhóm người đi xuồng máy đến chích điện bắt lại cá.
Theo đoạn clip trên, có 4 người đi trên 4 xuồng máy, trên tay cầm cây vợt nối dây điện gắn với thiết bị kích điện và bình ắc quy. Sau khi chích điện xuống nước, cá nhanh chóng được đưa lên xuồng.
Xôn xao nhà sư thả cá phóng sinh bị nhóm thanh niên chích điện bắt hết
Lúc này, một số người đang uống cà phê gần đó có lời qua tiếng lại với nhóm người dùng điện đánh bắt cá trên. Sau đó, một người xiệt điện lấy ná thun (súng dây cao su) ra hăm dọa bắn lên làm khách trong quán tháo chạy. Mặc dù nhiều người dân khuyên ngăn, nhưng nhóm người chích điện bắt cá vẫn bất chấp.
Sau khi đoạn clip trên được đăng tải đã thu hút hàng trăm bình luận, chia sẻ. Nhiều người cho rằng việc dùng điện để đánh bắt thủy sản là rất nguy hiểm vì đã xảy ra nhiều trường hợp gây chết người; số khác lên án kiểu đánh bắt này là tận diệt nguồn lợi thủy sản...
Theo Luật sư Trần Công Tú – Đoàn luật sư TP. Cần Thơ, hành vi dùng xung điện, kích điện đánh bắt cá là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 7, điều 7, Luật Thủy sản 2017.
- Về trách nhiệm hành chính:
+ Căn cứ khoản 1, điều 28 Nghị định 49/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá. Ngoài ra đối với hành vi tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản còn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, được quy định tại khoản 2, điều 28 Nghị định 49/2019/NĐ-CP.
+ Hình thức xử phạt bổ sung: Căn cứ điểm a, khoản 5, điều 28, Nghị định 49/2019/NĐ-CP là tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1,2, 3 và 4 28 Nghị định 49/2019/NĐ-CP.
- Về trách nhiệm hình sự:
Hành vi dùng xung điện, kích điện đánh bắt cá có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hại nguồn lợi thủy sản” được quy định tại điểm a, khoản 1, điều 242 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Như vậy, hành vi dùng xung điện, kích điện đánh bắt cá sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu người thực hiện hành vi vi phạm đủ các yếu tố cấu thành tội phạm hình sự về tội Hủy hoại nguồn lợi thủy sản).