Xôn xao vấn đề 'đầu tư chứng khoán' vào SGK lớp 10: Đầu độc hay đổi mới táo bạo? - Ảnh 1.

Nội dung bài học gây xôn xao trong cộng đồng mạng.

Ngay sau khi những thông tin, hình ảnh này được chia sẻ trên mạng xã hội, cư dân mạng đã thể hiện nhiều luồng quan điểm khác nhau.

Một luồng ý kiến cho rằng việc đưa bài học về việc có tiền nên gửi tiết kiệm hay đầu tư chứng khoán vào SGK lớp 10 là không hợp lý.

Chị Nguyễn Thùy Linh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng: “Dạy về việc dùng tiền, đầu tư như thế nào thì nên dạy trong chương trình chuyên ngành ở bậc đại học, còn quá sớm để dạy học sinh lớp 10 hiểu thế nào là chứng khoán, nhất là học sinh vùng khó khăn thì khái niệm này càng trừu tượng.

Việc dạy quá sớm mà không đến nơi đến chốn chẳng khác nào việc "đầu độc" các bạn học sinh nhỏ tuổi. Tôi cho rằng nội dung này không phù hợp và cần phải loại bỏ”.

Xôn xao vấn đề 'đầu tư chứng khoán' vào SGK lớp 10: Đầu độc hay đổi mới táo bạo? - Ảnh 2.

Vũ Diễm Ngọc - sinh viên khoa Luật, Đại học Luật Hà Nội

Đồng tình với chị Linh, sinh viên Vũ Diễm Ngọc (khoa Luật, Đại học Luật Hà Nội) nêu ý kiến: "Theo quan điểm của em thì chứng khoán cũng là một cách tiết kiệm và đầu tư khá hay. Ở nhiều nước thì các bạn trẻ cũng được học từ rất sớm.

Tuy nhiên vấn đề này chưa nên đưa vào sách cho các em lớp 10, bởi lẽ thị trường chứng khoán nước ta thời gian vừa qua cho thấy nhiều mặt trái. Ngay như bố mẹ em cũng là những người chơi chứng khoán lâu năm cũng không thể lường trước được nữa là học sinh lớp 10, các em ấy chưa có kiến thức về kinh tế, tiền tệ hay đầu tư trước đó.

Vậy nên em nghĩ việc dạy đầu tư chứng khoán cho lớp 10 là nửa vời, khi các em không hiểu được bản chất của việc đầu tư này. Nếu như muốn đưa vấn đề này vào thì cần phải có cả một chuyên đề sâu hơn".

Trái với luồng ý kiến trên, nhiều người lại đồng tình với việc dạy về tiết kiệm, đầu tư cho học sinh lớp 10 vì cho rằng trẻ cần tiếp cận sớm với khái niệm về tiền cũng như cách kiếm tiền và tiết kiệm tiền cho tương lai.

Theo anh Nguyễn Quang Hùng (Hà Nội) thì việc dạy học sinh kiến thức về tài chính là phù hợp, trong đó điều quan trọng là các em được dạy sớm, dạy bài bản thì sẽ không đi sai đường.

Cô Lê Thị Loan (Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay: “Trang bị kiến thức về tài chính cho trẻ là rất phù hợp với thời đại 4.0. Tôi cho rằng nội dung này là đổi mới rất táo bạo nhưng hợp với xu thế hiện nay và có ích cho trẻ chứ đến bậc đại học mới dạy thì có thể hơi muộn.

Thực tế, có nhiều trẻ bộc lộ những tài năng về lĩnh vực tài chính từ rất sớm, 1 bài học cũng có thể coi là cách chúng ta định hướng nghề nghiệp sớm cho trẻ”.

Được biết, nội dung bài học này ở sách giáo khoa Toán 10 tập 1 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - đơn vị thực hiện cuốn sách đã chia sẻ: "Mục tiêu của bài học là giúp học sinh hiểu sự khác biệt giữa tiết kiệm và đầu tư. Thực hành thiết lập kế hoạch đầu tư cá nhân để đạt được tỉ lệ tăng trưởng như mong đợi. 

Tiết kiệm và đầu tư là các phương thức khác biệt đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch xây dựng tài sản và phân bổ ngân sách chi tiêu. Bài học này giúp các em thực hành ứng dụng các kiến thức toán học vào thực tiễn, đặc biệt là trong quản lý tài chính".