"Chọn học ngôn ngữ Anh là bỏ phí 4 năm đại học"; "Ngôn ngữ Anh vô dụng, kiểu gì cũng vứt xó bằng và đi làm trái ngành"; "Ngôn ngữ chỉ là công cụ thôi", học ngành đấy thà học Kinh tế, Tài chính rồi lấy cái chứng chỉ ngoại ngữ có phải hơn không"... - Gần đây, trên mạng xã hội lại rộ lên nhiều ý kiến về ngành Ngôn ngữ Anh, nhất là khi mùa tuyển sinh đại học năm 2023 đang đến gần. 

Theo luồng ý kiến này, Ngôn ngữ Anh chỉ giúp cải thiện năng lực Anh ngữ (kỹ năng mềm) chứ không trang bị kiến thức chuyên môn (kỹ năng cứng) như các ngành đặc thù khác. 

Từng tốt nghiệp xuất sắc ngành kép Ngôn ngữ Anh và Kinh tế Quốc tế, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) với GPA đạt 3.78, nữ sinh Đặng Thị Ngoan (Bắc Ninh) cho rằng, ngành học không có lỗi, lỗi ở bản thân. 

ngành học - Ảnh 1.

Đặng Thị Ngoan tốt nghiệp xuất sắc ngành kép Ngôn ngữ Anh và Kinh tế Quốc tế, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ULIS) với GPA đạt 3.78

"Theo mình, giá trị của một ngành học và tương lai của bạn không nên được quyết định bởi lời nói của những người có thể chưa bao giờ theo học/làm việc ở ngành đó, hay những từ như "nghe nói", "thấy bảo là", những video vài chục giây nêu quan điểm mà chẳng có số liệu thống kê và bằng chứng gì cả.

Đã theo ngành thì bạn cần có trách nhiệm với lựa chọn đó. Nếu thấy sai thì mình có quyền chọn lại, hoặc chọn thêm. 

Mình và rất nhiều bạn khác học ngành Ngôn ngữ Anh đã chọn học thêm một kỹ năng/nghề/chuyên ngành khác để tăng cơ hội và lợi thế cạnh tranh. Đến giờ mình vẫn biết ơn bản thân vì đã làm điều đó", Ngoan chia sẻ.

Vì thế, nên ngừng tư duy đổ lỗi, oán trách và dành thời gian hãy làm những điều này:

1. Nếu bạn yêu thích ngành, muốn làm đúng ngành thì hãy nỗ lực hết sức, tìm kiếm việc làm thêm, làm thực tập đúng ngành từ năm 3 trở đi, liên tục học hỏi và thực hành để củng cố chuyên môn của mình. 

2. Nếu bạn thấy không tự tin với ngành/hối hận/muốn có thêm lựa chọn cho bản thân: Chịu khó học thêm chuyên môn khác nữa, như Marketing, Design, Tester, BA, DA, CSKH, Sales… Xác định học nghiêm túc và sẽ vất vả, không có gì là dễ dàng cả. Nhưng mà từ đó cũng nâng cấp bản thân, mang đến nhiều tiềm năng hơn. Nếu có thời gian, chịu khó đọc sách hay tham gia vào các kế hoạch, dự định mới, đó là con đường mang cho bạn tư duy, kinh nghiệm và thậm chí tiền bạc.

Đừng lẫn lộn chuyên môn cứng với công cụ làm nghề

Nói về quan điểm gây tranh cãi này, trên tiktok cá nhân, chị Nguyễn Thái Hà, một KOL về hướng nghiệp cho rằng, khi nói Ngôn ngữ Anh không quan trọng, có nghĩa là bạn không phân biệt được chuyên môn cứng với công cụ làm nghề.

"Giả sử như mình hiện là giám đốc dịch vụ tuyển dụng thì công việc chính của mình là tuyển người cho các công ty khác nhau. Và tiếng Anh của mình là công cụ để mình có thể phỏng vấn ứng viên người nước ngoài, làm việc với đối tác hay nghiên cứu tài liệu. Những lúc ấy thì mình có học ngành Ngôn ngữ Anh hay không, không quan trọng. Mình có thể chỉ cần IELTS, TOEIC hoặc cũng chẳng cần hai loại chứng chỉ ấy mà chỉ cần thành thạo tiếng Anh bằng một cách nào đó.

Thế nhưng, trong trường hợp Ngôn ngữ Anh trở thành chuyên môn chính của các bạn, ví dụ đi dạy cho người khác, làm biên phiên dịch, nghiên cứu xây dựng giáo trình tài liệu, làm việc ở những nhà xuất bản, nhà nghiên cứu... thì việc bạn biết sử dụng tiếng Anh thôi là chưa đủ, mà bạn cần nhiều các kiến thức khác liên quan đến lịch sử, văn hóa, kỹ năng, kỹ thuật phiên dịch... Tất cả những điều đó, trong khóa dạy IELTS, TOEIC không hề có, chỉ có ở ngành Ngôn ngữ Anh".

ngành học - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Chuyên gia này cho rằng, học Ngôn ngữ Anh ra thất nghiệp là lỗi của người học. Bởi các bạn có tận hai lựa chọn: 1 là làm các công việc tiếng Anh là chuyên môn cứng như đi dạy, biên phiên dịch... 2 là các vị trí công việc tiếng Anh mang tính chất hỗ trợ còn chuyên môn được dạy lại từ đầu. 

"Vậy nên, đừng bao giờ bảo rằng ngành gì là không cần thiết. Một ngành nào đó tồn tại trên đời đều có lý do, đừng nghe ai đó nói lung tung rồi bảo không đi học. Tiếng Anh quan trọng vô cùng, dù bạn có làm nghề gì đi chăng nữa. Bây giờ có thể bạn thấy tiếng Anh chưa cần thiết, nhưng khi ra trường, thấy một người chuyên môn như mình nhưng lương gấp rưỡi gấp đôi vì hơn mình mỗi tiếng Anh thì "đau" lắm đấy", chuyên gia này nói.