Xong cái lụt, lục đục làm dưa món - Ảnh 1.

Tết đậm đà với chén dưa món - Ảnh: tác giả cung cấp

Mới quay sang thấy mùa nối mùa gieo hạt vàng trải khắp ruộng đồng bát ngát đó mà… Ừ thì Tết phải về chứ, sớm sủa chút xíu xiu cho đất trời khoác màu áo mới và lòng người chộn rộn mỗi xuân sang.

Chẳng biết nơi nơi rục rịch đón Tết kiễng chân về từ thời điểm nào, chứ ở quê tôi, cứ hễ xong cái lụt người dân lại lục đục làm dưa món.

Khi con nước vàng khè lấp ló đôi bờ như chực chờ ông trời xối mưa thêm chút nữa sẽ mon men tràn lênh láng khắp xóm làng, mệ đi ra đi vào ngó nghiêng, thở dài thườn thượt lo vườn tược hoa màu.

Và khi dòng nước đục ngầu vừa rút xuống trả lại từng khoảnh đất vàng ươm phù sa, mệ lật đật xách rổ đi khắp xóm vơ vén mớ đu đủ xanh chẳng chống chịu được con nước.

Đu đủ chả ưa nước lũ, cứ hễ lụt dài ngày cây ngâm nước ít hôm là lá úa vàng đến thảm thương. Cành giòn, rễ nông, thân dễ gãy nên khi từng cơn gió thốc tới quăng quật dữ dằn, cây buông mình đầu hàng trong nỗi nhớ tiếc dáng hình thẳng băng vươn mình lúc lỉu quả xanh ngắt.

Quả đu đủ xanh chế biến thành nhiều món ngon và bổ dưỡng nhưng tấm lòng thơm thảo của bà con lối xóm cứ inh ỏi gọi tên mệ đến lấy về làm dưa.

Loay hoay một chặp đã được mớ quả xanh đủ cỡ, mệ bưng thau nước trong thêm tí muối, cặm cụi cắt cuống, gọt vỏ, xẻ từng lát dày thả vào nước.

Bầy cháu xung quanh í ới hỏi han, mừng rơn khi có thịt quả chuyển màu vàng ươm. Thức quà quê giòn ngọt sau những ngày mưa bão luôn đong đầy niềm vui nơi ánh mắt bọn trẻ.

Từng lát đu đủ mỏng đều tăm tắp dưới đôi tay khéo léo của mệ đầy vun từ bao giờ. Rửa sạch, vớt ra rổ, để ráo nước và xếp đều trên mấy cái mẹt thưa, mệ khệ nệ bưng ra đầu hiên nhà hong nắng.

Cái nắng hăng hắc sau ngày mưa bão rọi vào từng lát đu đủ xanh mọng ánh lên tươi tắn. Người quen ngang qua cất tiếng xuýt xoa: "Chà, thấy đu đủ phơi khô là ngửi thấy mùi tết…".

Nắng tháng mười lên muộn và nhanh tắt, mệ lo mớ đu đủ không được khô khén liền quây lò than bên dưới cái mẹt tre to đùng, rải từng lớp đu đủ đều tăm tắp bên trên và luôn tay trở để ráo đều các mặt.

Đến lúc từng miếng đu đủ mọng nước chuyển sang quéo quắt, giòn dài trong tay, mệ gói kỹ trong túi giấy cất góc tủ. Rồi mỗi bận lân la chợ quê, xem giá cả cà rốt, củ kiệu, ớt trái re rẻ tí xíu lại mua dăm ba lượt, bày biện xắt lát, cắt khúc, phơi khô và chờ… Tết.

Tháng Chạp về kéo theo cái rét mướt đong đưa từ ngày này sang ngày nọ, khi người ta xôn xao giá cả rau củ quả neo cao và than thở chờ hoài chẳng thấy nắng mà phơi phóng, mệ an yên bày biện nguyên liệu làm dưa món đã gói kỹ ra bắt tay vào chế biến.

Một cái nồi nhỏ đặt trên bếp than hồng, nước mắm hòa ít đường, bột ngọt và thêm nước lọc vào theo tỉ lệ nhất định, đun sôi rồi để nguội. Trộn đều đu đủ, cà rốt, củ kiệu, ớt khô và xếp vào từng thẫu nhỏ, đổ nước mắm ngập rau củ khoảng 1 đốt ngón tay.

Chỉ ít bữa sau, mấy miếng dưa hôm trước héo quắt queo nay bung nở thành những đóa hoa xinh xinh đủ màu sắc: vàng ngà của đu đủ, cam rực của cà rốt, trắng tinh của củ kiệu, đỏ tươi của ớt quả.

Nắp thẫu vừa mở, mùi dưa món đậm đà sắc - hương - vị cuốn lấy cánh mũi khiến người ta chẳng dứt được cơn thèm có vài lát bánh tét bên cạnh mà chấm, nhai và hít hà.

Chén dưa món trong bữa cơm không chỉ "kết đôi" với bánh chưng, bánh tét! Dưa món là món ngon "giải ớn" khi ăn kèm muôn kiểu bày biện đầy ứ thịt cá trong những ngày Tết.

Đôi khi chỉ cần một chén cơm nóng, gắp vài miếng dưa, chan thêm muỗng nước ngâm là đủ khiến cái dạ dày "đánh lô tô" mấy chặp…