Theo trường hợp được báo cáo trên tạp chí Journal of Obstetrics and Gynecology Canada, một phụ nữ 62 tuổi (giấu tên) đã bị bỏng âm đạo sau khi nghe bác sĩ Đông y khuyên nên xông hơi vùng kín với các loại thảo mộc để điều trị chứng sa âm đạo khó chịu.

Theo đó, ngoài việc bị sa âm đạo giai đoạn 4 trong vòng 9 tháng nay thì người phụ nữ gốc Hoa này hoàn toàn khỏe mạnh. Bà đã thử nhiều loại thuốc, thiết bị đặt âm đạo để làm giảm triệu chứng nhưng đều không hiệu quả. Khi thấy có máu trong dịch âm đạo, bà đã đến bệnh viện khám và được sắp xếp lịch chờ phẫu thuật. Nhưng trong lúc chờ đợi, bà đã nghe theo lời khuyên của một thầy lang là dùng một hỗn hợp thuốc thảo dược không xác định thành phần cho vào nước sôi, đặt nên mép bồn cầu và ngồi trên đó 20 phút để "xông". Bà đã lặp lại quy trình như vậy 2 lần/ngày.

xong-hoi-vung-kin-2

Và khi quay trở lại khám, các bác sĩ kiểm tra thì thấy bà bị bỏng cấp độ 2 ở cổ tử cung và niêm mạc âm đạo. Bà được chỉ định dùng kháng sinh và dùng gạc băng vết thương. Cuộc phẫu thuật xử lý sa âm đạo của bà phải hoãn lại cho đến khi vùng kín lành lặn.

Thực tế, người phụ nữ này không phải bệnh nhân duy nhất gặp rắc rối với việc xông âm đạo. Theo cách nào đó, nhiều phụ nữ vẫn tin rằng việc xông hơi vùng kín bằng cách ngồi xổm trên một nồi hơi ngâm với các loại thảo mộc có tác dụng tuyệt vời như giảm chứng sa âm đạo, chuột rút, làm sạch hoặc hồng vùng kín...

Vào năm 2015, trang web GOOP của nữ diễn viên Gwyneth Paltrow, cũng đã nói rất nhiều về quy trình này, rằng đây là một tập quán hàng nghìn năm tuổi ở các spa của Hàn Quốc. Các bác sĩ tin rằng, chính điều này đã dẫn đến sự gia tăng tình trạng xông vùng kín ở nhiều chị em phụ nữ.

Tiến sĩ Magali Robert, tác giả chính của báo cáo, cho biết xông hơi âm đạo đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ ở một số nước châu Á và châu Phi. Tình trạng sa âm đạo xảy ra khi một hoặc nhiều cơ quan trong khung chậu, chẳng hạn như tử cung, ruột hoặc bàng quang, trượt khỏi vị trí bình thường và phình ra trong âm đạo.

Nguyên nhân dẫn đến sa âm đạo thường là do sinh con hoặc mang thai. Béo phì, mãn kinh, tập thể dục quá nặng hoặc sử dụng một số loại thuốc cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

xong-hoi-vung-kin-1

Mặc dù nhiều phụ nữ ủng hộ và đặt niềm tin vào việc xông vùng kín có thể cải thiện bộ phận này như làm cho nó thắt chặt hơn, giả triệu chứng sa âm đạo... nhưng các bác sĩ sản phụ khoa cảnh báo quy trình này có thể gây nhiễm trùng và không được chứng minh là có hiệu quả.

Theo Mail Online, Tiến sĩ Naomi Sutton, một chuyên gia tư vấn sức khỏe tình dục cho Rotherham NHS Foundation Trust, đã giải thích: "Hoàn toàn không có bằng chứng y tế hoặc khoa học nào cho thấy xông hơi âm đạo sẽ giúp tăng sinh âm đạo, gây co thắt âm đạo hoặc bất kỳ hiệu quả nào khác mà phương pháp điều trị này có thể thực hiện. Âm đạo là một ống tự làm sạch nên việc tự làm sạch bên trong hay xông hơi nó là không cần thiết. Âm hộ (cơ quan sinh dục ngoài) chỉ cần được rửa bằng nước ấm và xà phòng chuyên dụng là được".

Bác sĩ Swati Jha, bác sĩ tư vấn phụ khoa và người phát ngôn của Đại học Royal College of Obstetricians and Gynaecologists, cho biết phụ nữ bị sa âm đạo nên đến gặp chuyên gia y tế bởi tình trạng này không đe dọa đến tính mạng nhưng nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Theo NyPost