Cô giáo Nguyễn Minh Nguyệt, Giảng viên trường CĐSP Hà Giang nghẹn ngào kể, trong chuyến đi thực địa ở ngôi làng thuộc Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, thấy các con đều mặc đồng phục tề chỉnh, hợp với tiết trời khô ráo. Duy nhất có một cô bé mặc áo len kín cổ, bên trong còn thêm lớp áo nữa. Thấy lạ, cô Nguyệt lại gần hỏi thì cô bé lễ phép trả lời rằng bị bệnh nặng, không mặc được áo mỏng. Cô Minh Nguyệt đứng lên vạch cổ áo len của cô bé thì giật mình bởi quanh cổ và nách của em đầy những vết lở lói đang lan rộng, những vòng loét sâu khủng khiếp. Chính giữa hõm cổ của con là một vết sẹo như sẹo bỏng, bé bảo đó là vết lở loét đầu tiên bị từ hồi lớp 3, mấy năm sau khỏi thì thành sẹo như thế.

Căn bệnh lạ này Thịnh Xuân bắt đầu mắc phải từ khi học lớp 3. Đầu tiên chính giữa cổ em bị lở ra, loét rồi đóng vảy từng lỗ một. Cứ tưởng lâu dần sẽ khỏi, không dè nó cứ lan dần ra xung quanh. Nhà neo người, nhưng bà nội đã thu xếp bỏ nương rẫy đưa cháu xuống bệnh viện tỉnh Hà Giang khám một lần. Nhưng vì nhà quá nghèo, tuy có thẻ 135 chữa bệnh không mất tiền, nhưng ăn ở khó khăn nên hai bà cháu lại trở về nhà. Từ đó Thịnh Xuân tiếp tục chịu đựng đau đớn, khó chịu với căn bệnh lạ đến nay đã gần 4 năm. Tuy học khá, song Thịnh Xuân thường xuyên phải nghỉ học, bởi những cơn đau đớn do bệnh lạ gây ra. Hàng ngày em phải mặc áo kín cổ để tránh cho mọi người nhìn thấy sợ hãi không dám lại gần.

Cô Minh Nguyệt chia sẻ: “Thịnh Xuân là cô bé khá thông minh, cô hỏi gì con tự trả lời mạch lạc. Nhưng ở con toát lên vẻ tự lập và đơn côi của đứa con gái không có sự quan tâm của mẹ”.

Thịnh Xuân ra đời, mẹ Thịnh Xuân có thai thêm em gái thì bố mất. Khi Thịnh Xuân được 1 tuổi rưỡi thì mẹ đi lấy chồng, để em lại cho bà nội già nua chăm sóc.

Hiện chỉ còn bà nội già nuôi dưỡng hai em trong căn nhà đất. Trong nhà không có vật gì giá trị. Bếp cũng chỉ có nguyên liệu đủ nấu vài nồi cháo mèn mén ăn qua ngày. Hàng ngày bà đi làm nương rẫy, 14 tuổi mà Thịnh Xuân bé tẹo như trẻ lên 5 lo cáng đáng việc nhà. Nghèo khó đủ đường, lại thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, Thịnh Xuân như con nai ngơ ngác giữa dòng đời.

Xót xa bé gái người Mông mồ côi cha, mẹ bỏ rơi đau đớn trong bệnh lạ 1
Cô bé mồ côi cha chịu những cơn đau đớn hành hạ 4 năm nay...
Xót xa bé gái người Mông mồ côi cha, mẹ bỏ rơi đau đớn trong bệnh lạ 2
... vết thương đã lan tới hốc mũi mà bà nội quá nghèo không có tiền đưa em đi chữa bệnh.

Thầy Phạm Xuân Dũng, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Sủng Là kể, nhà bé Vừ Thịnh Xuân ở xã Sủng Là - một trong những xã nghèo khó giáp biên, thuộc diện 135 của huyện Đồng Văn. Thinh Xuân đang là học sinh lớp 7A, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Sủng Là. Cô chủ nhiệm Đường Thị Quý cho biết, Thịnh xuân là một cô bé ngoan, học rất khá. Nhà cách trường 400 m nên con ở ngoại trú.

Cô chủ nhiệm xót xa kể lại ngày đến thăm nhà Thịnh Xuân, một cô giáo hỏi: “Từ khi mẹ đi lấy chồng có về thăm con không?”. Thịnh Xuân rơm rớm nước mắt trả lời: “Chỉ một lần duy nhất thôi cô à, từ khi con lên lớp 3, lúc con mới bị bệnh. Từ đó, con không còn gặp mẹ nữa...”. “Thế bây giờ con mong muốn gì nhất?”. “Con ước mơ được chữa khỏi bệnh để học thật giỏi, sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người…”, ngập ngừng một lát, cô bé chảy nước mắt nói: “Cháu muốn được gặp mẹ, được có mẹ như các bạn…”.

Xót xa bé gái người Mông mồ côi cha, mẹ bỏ rơi đau đớn trong bệnh lạ 3
Nhắc đến mẹ, bé Xuân cúi đầu chảy nước mắt...

Trả lời xong, đôi vai bé nhỏ của Thịnh Xuân run lên bần bật bởi cơn đau ùa về. Bây giờ những vết lở đau đớn của Thịnh Xuân đang có hiện tượng lan nhanh hơn, lan tới cả hốc mũi.

Nhìn cái dáng bé xíu run lên vì đau đớn cả thể xác và tinh thần đang cố lê đi dọn chuồng lợn, mọi người xung quanh xót xa trào nước mắt. Trái tim yêu thương của các thầy cô cũng không biết làm cách nào để giúp một bé gái người Mông đáng thương cô đơn phải chịu đựng nỗi đau bệnh lạ 4 năm nay.

Mọi sự giúp đỡ tới bé Vừ Thịnh Xuân - xin gửi về:

Bé Vừ Thịnh Xuân, lớp 7A, trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sủng Là, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.