Căn nhà 20m2 không nhà vệ sinh, không bếp

Chiều 25/9, chúng tôi trở lại ngôi nhà của ông Bình (SN 1964, trú tại tổ 17 Tân Mai, quận Hoàng Mai) – người điều khiển xe xích lô chở những tấm tôn khiến bé T.M.H (10 tuổi, trú cùng địa phương) không may bị cứa vào cổ tử vong. 15g chiều cùng ngày, người nhà nạn nhân và đại diện các ban ngành của địa phương đã đến nhà tang lễ bệnh viện Bạch Mai để tổ chức tang lễ cho hương hồn xấu số của cháu bé.

xích lô
Căn phòng của ông Bình chỉ để vừa chiếc đệm cũ kỹ và ẩm thấp

Tuy nhiên, tại con ngõ 66 phố Tân Mai cũng ồn ào, xôn xao không kém, vẫn luôn có rất đông người dân hàng xóm láng giềng tụ tập ở các hàng quán để bàn tán xung quanh câu chuyện về sự việc và hoàn cảnh bi đát về người lái xe xích lô chở tấm tôn. Bà Vân (bán hàng nước) thông tin với chúng tôi, ông Bình sinh năm 1964, quê gốc ở Hà Nam hiện đang sống ở địa phương này trong tình cảnh vô cùng éo le.

Sau đó bà dẫn chúng tôi vào căn nhà rộng chừng hơn 20m2 nằm trong ngách của 3 cặp vợ chồng là anh em ruột, trong đó có gia đình ông Bình.

Có mặt tại ngôi nhà này, ông Liên – em trai ông Bình đang dùng bữa cơm chỉ có rau và nước canh nhạt. Ông Liên liền chỉ ra cái giếng nhỏ ngay đầu ngõ rồi nói: “Cả gia đình tôi không có công trình khép kín mà phải sinh hoạt ở đây. Bố mẹ tôi mất hết rồi, còn 6 anh em ở với nhau. Trong gian nhà chính này còn 3 anh em trai, cậu út thì cũng bị thần kinh nhẹ từ nhỏ nên ở đây để hương khói tổ tiên. 

Anh Bình là con thứ 4 trong gia đình. Anh lấy vợ ở quê Hà Nam, ở rể ở đó nhưng vì kiếm sống nên vẫn ở đây đạp xích lô thi thoảng mới về thăm vợ. Vợ anh cũng có mặt ở Hà Nội rồi và đã sang thăm hỏi gia đình bé H. Nhà anh Bình nghèo lắm, chẳng có gì hết, làm mấy sào ruộng, kinh tế khó khăn vô cùng. Lên đây ai thuê gì làm nấy, nhiều lúc trời mưa bão, nhưng vì miếng cơm vẫn phải cố dậy để đi. Khổ lắm”. 

xích lô
Mọi sinh hoạt nấu nướng của đại gia đình ông Bình đều ở ngoài cửa nhà và đi vệ sinh công cộng bên đường

Nghe xong lời giới thiệu của ông Liên, bà Vân thở dài chen ngang câu chuyện: “Xót xa cho đứa trẻ lên 10 bao nhiêu thì chúng tôi cũng đau đớn cho ông Bình bấy nhiêu", bà Vân nói

Theo bà Vân, ông Bình là trụ cột kinh tế trong gia đình. Hai vợ chồng anh lấy nhau được gần 30 năm có được hai mụn con, một trai, một gái nhưng kinh tế không dư dả gì. 

Cũng theo bà Vân, ngôi nhà ông Bình đang ở là của bố mẹ để lại cho các anh chị em nhưng tất cả cũng đều khó khăn. Ngôi nhà bao nhiêu năm không được cải tạo, không có nhà vệ sinh, nhà bếp. 

“Anh em nhà ông này đều khó khăn. Bản thân ông Bình chỉ đi làm mướn, cần câu cơm là chiếc xích lô với mỗi chuyến chở hàng thuê kiếm từ 20.000 – 40.000 đồng rồi gửi tiền về quê cho vợ. Chưa một lần tôi nhìn thấy ông ấy có tiền mua bát phở mà ăn. Lúc xảy ra sự việc, trong ví ông ấy cũng chỉ còn vài chục nghìn đồng.

Nghe tin vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra với đứa trẻ lên 10 tuổi mà chồng mình là người vô tình gây ra, vợ ông Bình dù chết lặng nhưng vẫn cố bình tâm chạy vạy khắp nơi vay nóng được họ hàng, làng xóm 10 triệu đồng rồi tay xách nách mang từ Hà Nam ra Hà Nội gửi gia đình bé H. làm tiền mai táng phí”, bà Vân nói thêm. 

xích lô
Hàng xóm bàn nhau quyên góp ủng hộ gia đình ông Bình vượt qua hoạn nạn

Nhiều người đang ngồi ở quán nước bà Vân cũng không khỏi xót xa khi nói về hoàn cảnh người đàn ông bỗng dưng phạm pháp, ai cũng tỏ ra cảm thông và cho biết đang tìm cách giúp đỡ cho ông Bình.

 “Chúng tôi đang quyên góp ở tổ dân phố mỗi người một ít để ủng hộ gia đình ông Bình trong lúc khó khăn này. Ông ấy sống khổ cả đời rồi, chúng tôi là thợ xây thuê trọ ở gần nhà nên thấm thía rồi, gom góp được từng nào hay từng ấy để giúp ông lo hậu sự”, anh Vinh, một người hàng xóm nhà ông Bình, chia sẻ. 

Gia đình nạn nhân chưa nhận đền bù

Nói thêm về giải quyết hậu quả sự việc giữa gia đình ông Bình và gia đình nạn nhân, bà Vân cho hay: "Tối 23/9, gia đình ông Bình cũng sang chia sẻ nỗi đau với gia đình bé H. Gia đình ông Bình cũng nói sẽ cố chạy vạy, vay mượn khắp nơi để đền bù. Nhưng gia đình bé H bảo sẽ nói chuyện sau, giờ phải lo hậu sự cho bé. Hai gia đình đều biết nhau, ở đây cũng mấy chục năm rồi. Hai bên không khấm khá gì, đúng là họa vô đơn chí”. 

xích lô
Anh Liên buồn bã khi nói về sự việc

Trao đổi thêm với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Vượng – tổ trưởng tổ dân phố 17, phường Tân Mai, nơi ông Bình và những người anh em của mình sinh sống cũng xác nhận hoàn cảnh khó khăn của ông Bình như bà con lối xóm kể lại. “Bình là người lao động chất phác, thật thà. Sự việc xảy ra chẳng ai mong muốn cả và nó sẽ là nỗi đau đi cùng hai gia đình tới suốt cuộc đời. Nhìn vào hoàn cảnh của Bình ai cũng phải rơi nước mắt bởi sự nghèo khó của một người đàn ông đạp xe xích lô chở đồ thuê kiếm vài chục nghìn đồng để gửi tiền về quê cho vợ chữa bệnh”, ông Vượng nói.