Chúng tôi đến thăm Nhi (Nguyễn Tuyết Nhi, 17 tuổi, Ngọc Lâm - Long Biên - Hà Nội) vào một ngày tiết trời khá dịu mát, chẳng hề lạnh giá nhưng cô gái 17 tuổi ấy vẫn ôm khư khư một tấm chăn nhung và co mình, ngồi vào một góc giường có lót đệm dày cộp. Nhi rất ít nói vì gần như việc ấy với cô tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Khí thở của Nhi phải đong đếm bằng tiền bạc mà bà nội cô (bà Lê Thị Liên, năm nay đã 73 tuổi) vất vả dành dụm được.
Thế nhưng, giữa những nỗi đau cùng cực vì sự nghèo khó gây ra, Nhi vẫn hết sức kiên cường. Cô thường ngước mắt nhìn qua khung cửa sổ và cầm trên tay những cánh hạc trắng với một niềm hy vọng nhỏ nhoi, "một ngày kia, mình sẽ lại tự đi được ra đến đầu ngõ để hóng mát và chơi đùa cùng các em".
Nhi rất khéo tay, giàu nghị lực và lòng kiên nhẫn.
Những nỗi đau cùng cực liên tục ập đến
Nhi sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và tuổi thơ của cô là một chuỗi những ngày dài buồn bã. Theo lời Nhi kể lại, cha cô vốn là một thợ sửa khóa vỉa hè. Suốt cuộc đời ông chỉ sở hữu khối gia tài nhỏ xíu là căn nhà rộng chưa đầy 20m2 thừa hưởng từ đời ông cha để lại và một thùng sắt di động đựng đồ nghề sửa khóa. Hàng ngày, người đàn ông ấy mải mê lang bạt khắp các con phố vùng Long Biên, đem tay nghề sửa khóa học được từ ông nội và tỉ mẩn gom về từng đồng bạc lẻ.
Cuộc sống cứ thế trôi đi nhưng cảnh nghèo khó thì mỗi lúc một tăng lên. Mãi đến năm ngoài 40 tuổi, giữa những tâm tư chán chường của một người đã gần đi đến ngả bên kia của cuộc đời, ông bất ngờ gặp mẹ Nhi, một người phụ nữ từng có chồng và con riêng. Hai người nên duyên từ đó nhưng dù đã sống với nhau được hơn chục năm, sinh hạ tới 4 người con gái song gặp lúc chồng lâm cảnh bạo bệnh, người vợ vẫn lạnh lùng dứt áo ra đi, bỏ lại cha con Nhi sống quay quắt trong nghèo đói và bệnh tật.
Trong căn nhà nhỏ chỉ có 5 bà cháu nương tựa vào nhau sống qua ngày. Nhi dù mắc bệnh truyền nhiễm nhưng người nhà vẫn ra sức động viên, gần gũi với cô.
Thương 5 bà cháu có hoàn cảnh khó khăn, chính quyền và người dân địa phương vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên. "Có người giúp cho ít tiền, có người cho các cháu ít bánh kẹo, sữa tươi nhưng điều quý nhất là họ làm tôi có cảm giác mình không đơn độc trong hành trình nuôi dạy các cháu nên người", bà của Nhi chia sẻ.
Sau khi mẹ bỏ đi, người cha lâm bệnh liệt giường được hơn một năm thì qua đời. Cuộc sống của Nhi và 3 người em gái nhỏ phải do một tay bà nội lo liệu. Nỗi đau mất cha, thiếu vắng tình thương của mẹ tưởng như đã là cận đáy của những nỗi cơ cực nhất trong đời nhưng hóa ra, ngần ấy chưa phải là tất cả. Gần 2 năm trước, trong một lần khó thở và đi viện cấp cứu, Nhi bàng hoàng biết mình mắc bệnh lao phổi, căn bệnh đã từng cướp đi tính mạng của cha cô trước đây.
Bệnh lao phổi không khó chữa nhưng vì gia cảnh nghèo khó, Nhi đã không tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị. Bệnh tình của cô ngày một nặng hơn và sau cùng đã chuyển sang giai đoạn kháng thuốc. Số lượng vi khuẩn lao trong người Nhi ngày một tăng lên. Chúng tàn phá cơ thể cô gái trẻ hết sức nặng nề. Một lá phổi của Nhi bị hỏng hoàn toàn, cơ thể sút cân nhanh chóng và hiện tại, tay chân cô bị teo tóp, chỉ còn da bọc xương. Nhi cao tới 1m60 nhưng chỉ nặng vỏn vẹn có 23kg. Nỗi mặc cảm về ngoại hình lớn đến nỗi, dù đang giữa lúc xuân thì, chính Nhi cũng chẳng bao giờ có nhu cầu được soi gương để biết, gương mặt mình giờ đã khác xưa như thế nào.
Sức khỏe Nhi rất yếu, cô thường hay bị sốt, ho và khó thở.
Những lúc như thế, Nhi phải thở bằng bình oxy.
Dù đang ở độ xuân xanh nhưng bệnh tình đã khiến cơ thể của cô gầy xọp, quắt queo, chỉ còn da bọc xương.
Hàng ngày, cô đều lên cơn sốt, thường xuyên bị ho và khó thở. Những lúc như thế, Nhi phải thở bằng bình oxy mua ngoài trạm xá. Bà nội Nhi cho biết, mỗi chiếc bình ấy có giá 50.000 đồng. Một ngày, riêng tiền khí thở của Nhi đã lên tới 150.000 đồng, chưa kể các loại thuốc thang, dịch truyền. Khoản tiền ấy với người khác thì chẳng đáng là bao nhưng đối với gia cảnh của bà cháu cô thì thực sự là một con số "khủng khiếp".
Thêm một điều nữa là đôi chân Nhi, sau một cuộc tiểu phẫu vì bị ngã đã trở nên tê liệt. "Cháu nó ngã cầu thang nhưng chân không khỏi mà cứ sưng hoài. Gia đình vay mượn, chạy chữa cho nó nhưng rồi sau khi tiến hành phẫu thuật, vì sức khỏe quá yếu nên Nhi không đủ sức đi lại, tập luyện nên đôi chân cứ thế ngày càng teo tóp, tê liệt hoàn toàn", bà nội Nhi nói.
Bà nội 73 tuổi chèo chống con thuyền nuôi 4 mảnh đời côi cút
Nhà nghèo lại mắc bệnh nặng nên Nhi sớm phải từ bỏ nghiệp học hành. Người em gái thứ hai của cô (tên Nguyễn Hồng Ngọc, 15 tuổi) cũng nghỉ học từ hai năm nay để ở nhà chăm sóc chị gái. Gia đình hiện chỉ còn hai em út (Nguyễn Thúy Anh, Nguyễn Quỳnh Anh) vẫn đang theo học tại trường cấp I và cấp II gần nhà. Dù thế, chuyện lo cho các cháu ăn học gần như là điều quá sức với bà nội của Nhi.
"Mấy năm nay tôi làm nghề bán trà đá, bánh mì ven đường, thu nhập chẳng đáng là bao, chỉ đủ tiền nuôi chúng nó tạm đủ ăn no mỗi ngày. Việc học hành, chữa bệnh cho cháu Nhi hoàn toàn nhờ vào tình thương của xã hội và sự giúp đỡ của họ hàng gần xa", bà nội Nhi tâm sự.
Thương các cháu nhưng vì tuổi cao sức yếu, bà Liên cũng không biết phải làm sao để có tiền chữa bệnh cho Nhi, nuôi nấng các cháu ăn học đàng hoàng. "Tôi cũng đã cố gắng hết mọi cách nhưng lực bất tòng tâm. May nhờ có chính quyền giúp đỡ, nếu không thì bà cháu tôi cũng chết đói cả rồi. Bệnh của cháu Nhi bác sĩ nói nặng lắm, muốn chữa phải hết nhiều tiền mà tôi lại nghèo, chẳng có gì để bán lấy tiền. Tôi chỉ có mỗi căn nhà này che mưa che nắng, bán đi rồi thì lại thấy có lỗi với 3 đứa em nó quá nên tôi không đành lòng", bà nội Nhi vừa nói vừa lấy tay quệt nhanh những giọt nước mắt đang làm mờ rèm mi bạc trắng.
Trong số 4 người cháu gái, bà Liên thương Nhi nhiều nhất. Đó là người mà bà đã từng kỳ vọng sẽ có đủ khả năng để gánh vác trọng trách dạy bảo các em lúc bà trái gió giở trời.
Trong tất cả 4 cô cháu gái, bà thương nhất Nhi. Theo lời bà kể, Nhi là một cô gái xinh đẹp, học giỏi lại khéo tay, đan lát, thuê thùa, may vá thứ gì cũng thạo. "Tôi đã từng rất hy vọng vào nó, rằng khi tôi mất đi, nó sẽ thay tôi nuôi nấng các em nhưng rồi số phận thật khó ai nói trước được điều gì. Thương nó lắm nhưng giờ biết phải làm sao, giá thân già tôi bán đi mà kiếm được tiền, tôi cũng nguyện hy sinh tất cả để cứu các cháu thoát khỏi nỗi đọa đày vì bệnh tật và đói nghèo", bà nội Nhi nói trong nước mắt.
Nhi không thể đi lại nên niềm vui lớn nhất đối với cô là được cùng các em gái ngồi gấp hạc giấy.
Nhi thường gấp hạc giấy với hy vọng, chúng có thể giúp cô nói với Thượng đế, ban cho cô một phép màu nhiệm là được khỏe lại, vui cười như ngày nào .
Nghe bà nội kể về gia cảnh, đôi mắt Nhi thoáng buồn. Cô ngoảnh mặt nhìn ra cửa sổ. Nhi không khóc và lặng lẽ mang những chiếc bình hoa xếp bằng hàng nghìn con hạc giấy đang làm dở ra để tiếp tục việc gấp xếp quen thuộc của mình. Bà nội nói Nhi rất kiên cường, trong những ngày tháng nằm viện điều trị, dù có lúc đau đớn, mệt mỏi vô cùng nhưng cô không bao giờ khóc. Mỗi đêm, cô thường thức đến tận khuya để thêu những bức tranh cầu kỳ tặng cho bà hoặc gấp những chú hạc giấy nhỏ xinh rồi xếp thành nhiều hình thú rất đẹp.
Nhi ít khi nói chuyện và gần như tâm trí cô gửi hết vào những con hạc giấy có màu xanh đỏ hấp dẫn. Cô dành cho chúng một tình yêu rất đặc biệt vì tin rằng, cứ gấp xong một nghìn con hạc giấy thì sẽ có một điều ước nhỏ trở thành hiện thực. Cho dù bệnh tình ngày một nặng hơn, cho dù thân hình có tiều tụy, mọi hiểu biết và thế giới xung quanh bị bó hẹp trong không gian bốn bức tường nhưng người con gái ấy vẫn luôn giữ cho mình ánh nhìn ngước lên cao đầy hy vọng. "Có lúc mình thấy sức khỏe rất yếu, chẳng biết còn sống được bao lâu nhưng vẫn luôn cảm thấy cái chết rất đáng sợ. Mình ước sao, một phép màu nào đó sẽ xuất hiện, ban cho mình sức khỏe để mình được ra ngoài hiên hóng gió, chơi đùa cùng các em", Nhi tâm sự.
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, xin vui lòng liên hệ về địa chỉ:
Bà Lê Thị Liên (73 tuổi, số nhà 79, ngõ 399, đường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội).
Số điện thoại: 0969 152 381