Về cốt truyện, tiểu thuyết (tập một) có 34 chương, mỗi chương chia từ 2 đến 9 tiết. Cốt truyện có sự pha tạp giữa tư duy hồi cố, khởi đầu từ bối cảnh năm 1943 rồi ngược trở lại thế kỷ 16, cuối thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20, sau đó tiếp diễn đến thời kỳ gần cận cách mạng tháng Tám 1945…
Trên nền tảng văn hóa vùng Kẻ Nủa - Chàng Sơn - xứ Đoài là câu chuyện của các dòng tộc, dòng họ với sự tiếp nối của vài ba thế hệ. Mạch truyện xòe như nan quạt, vừa xâu chuỗi vào cốt lõi thế hệ gia đình cụ cố - Quý, Quỳ - Hợp - Thắm, lớp cháu Quang - Xoan… vừa lan tỏa với chuyện tình làng nghĩa xóm, hội làng, chuyện đi làm thợ xẻ mạn ngược, đi học vẽ, đi phu đồn điền…
Tuy nhiên, kể từ khoảng chương 28 đến hết, cốt truyện trở về những vấn đề xã hội tương đối qui phạm, quen thuộc thời kỳ đêm trước Cách mạng tháng Tám…
Một điểm mạnh của tiểu thuyết Xứ Đoài mây trắng chính là khả năng tái hiện tính cách, tâm lý nhân vật và bối cảnh phong tục, tập quán, đời sống làng quê hồi đầu thế kỷ 20.
Con người thôn quê cộng sinh trong nếp sống, nếp tâm lý và ứng xử với tất cả sự tốt đẹp và ngô nghê, cổ hủ và láu cá, trong sáng và tăm tối, chân thành và điêu toa đã được thể hiện một cách chân thực, sinh động.
Có thể thấy nhiều trang viết sinh động về gia cảnh đời thường dân quê, cưới hỏi, ốm đau, vay giật; cảnh hội quê, chợ quê, tết quê, chiều quê; cảnh tát nước, đơm cá, gặt lúa, gặp gỡ bậc chức sắc, kỳ lão, phố thị, người Tây… Lại có thể gặp những mối tình chân quê, bình dị, bản năng đầu làng cuối xóm hồi đầu thế 20 nhưng đã được phân tích, soi tỏ trong tâm thức hiện đại như chuyện ông Quý, chuyện Hai Vệ với Lành… Nét phồn thực nhân tính muôn đời góp phần gia tăng phong vị đời thường và giá trị nhân văn cho tác phẩm.
Đặc biệt chuyện ông Thân với vợ trước khi chết rất gần với phân tâm học của Sigmund Freud (1856-1939), bởi những câu chuyện về dục năng (Libido), thể hiện hồn hậu “khát vọng tình dục là nhu cầu thỏa mãn một ham muốn mang nội dung tình dục như là nhu cầu ăn, uống, ngủ, nghỉ của con người”…
Xét trong văn mạch loại truyện phong tục làng quê, tác phẩm này góp phần một cách nhìn về đời sống thôn quê giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20. Mặc dù các nhân vật chưa định hình thành tuyến, chưa liên kết thành số phận điển hình nhưng thế mạnh của tiểu thuyết là bối cảnh, không khí, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật.
Chủ ý và thế mạnh miêu tả cảnh quan đời sống thôn quê vượt lên thành công xây dựng nhân vật điển hình thể hiện ngay từ cách triển khai nội dung và cách đặt nhan đề các chương: Mơ trạng (Chương 2), Gió lay hồn cũ (Chương 3), Tình mây trắng (Chương 4), Bài học cho người không biết chữ (Chương 5), Nửa chừng hy vọng (Chương 6)…; Mối tình đầu tiên (Chương 32), Cờ đỏ sao vàng (Chương 33), Đêm trước bình minh (Chương 34), trong đó số lượng nhân vật luôn được mở rộng, bổ sung, thậm chí trong nhiều chương không xuất hiện tuyến nhân vật gia tộc (cụ cố - Quý, Quỳ - Hợp - Thắm, Quang – Xoan) như ở Chương 7- Quan về, Chương 9- Gửi lại đời sau, Chương 11- Lý trưởng mù, Chương 17- Nỗi cay cà cuống...
Thêm một đột điểm mạnh khác nữa của tiểu thuyết Xứ Đoài mây trắng là văn phong thực sự giàu chất tiểu thuyết. Lời văn hoạt, hàm súc, chuyển đoạn nhanh, giàu phong vị điện ảnh.
Có thể tìm thấy ở đây số lượng phong phú các từ ngữ gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất: bắt ròn (tr.129), “cá lưu”, “dạnh đồng” (tr.130), “gon xong được cái bờ” (tr.132), “làm mải” (tr.154), “Cùng trờ cùng trật” (tr.203),… Rất nhiều lời đối thoại và lối sống hầu như đã chuyển về thời quá khứ hoặc chỉ còn được bảo lưu thưa thoáng ở một vài vùng quê. Tiểu thuyết đã khơi gợi, phản ánh sinh động không gian, môi trường, cuộc sống, tâm tư người nông dân nửa đầu thế kỷ 20.
Xứ Đoài mây trắng là tiểu thuyết hiếm thấy, bởi có “lối đi riêng” đi vào tâm thức người đọc rất đỗi tự nhiên. Nguyễn Sơn Đỗng quả là người tiên phong ở mảng văn học bình dân...