Xu hướng ‘đám cưới 3 không’ phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc từ chối tổ chức một đám cưới cầu kỳ, tốn kém và đón nhận hôn lễ đơn giản hơn. Ảnh: SCMP tổng hợp/Shutterstock/Baidu

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sang, xu hướng đám cưới mới được gọi là “đám cưới 3 không”, hay “đám cưới 4 không”, tức là đám cưới tối giản, hủy bỏ các phong tục truyền thống như đón dâu, dâng trà cho bố mẹ. Các cặp đôi chuộng xu hướng này cũng không thuê người dẫn chương trình, không mời những vị khách không thân thiết, và thậm chí không có phù dâu và phù rể. Thay vào đó, giới trẻ Trung Quốc đang lựa chọn cách kết hôn tối giản theo phong cách riêng.

Chia sẻ với hãng truyền thông New Weekly của Trung Quốc, cô Huang, người vừa tổ chức đám cưới ở tỉnh Quảng Đông, phía đông nam Trung Quốc vào tháng 8/2023, nói rằng thay vì được đón dâu theo phong tục truyền thống, cô và chồng đã đi bộ trong thành phố với bạn bè.

Đi bộ quanh thành phố đang trở thành xu hướng du lịch thịnh hành trong giới trẻ Trung Quốc, mang đến cho họ cơ hội trải nghiệm sâu sắc hơn về văn hóa truyền thống địa phương. Hoạt động này đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc thời hậu COVID-19 từ năm ngoái.

Người dùng mạng xã hội có tài khoản @chaojiwudiluckygongzhu, sống tại tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, cho biết cô và chồng đã hủy bỏ nghi lễ đám cưới truyền thống và tự tổ chức hôn lễ theo ý thích của mình.

“Bố và chồng tôi đều yêu thương tôi, nhưng tôi là một người độc lập và cuộc sống của tôi nằm trong tay tôi”, cô nói.

Huang cho biết cô không muốn có người dẫn chương trình đám cưới vì họ chủ yếu là nam giới và “không giỏi dẫn chương trình từ góc độ bình đẳng giới”.

Xu hướng “đám cưới 3 không” hay “đám cưới 4 không” phản ánh mong muốn xóa bỏ tư tưởng gia trưởng lỗi thời, hay tư tưởng đàn ông chiếm hữu trong xã hội. Một số cặp đôi cũng từ chối nhận của hồi môn và đòi sính lễ vì lý do tương tự.

Theo truyền thống, phong tục đòi sính lễ nghĩa là nhà trai phải trả cho gia đình nhà gái trung bình 100.000 nhân dân tệ (344 triệu đồng) cùng với đồ trang sức. Còn của hồi môn được cô dâu mang về nhà tương lai của hai vợ chồng thường là ô tô hoặc đồ gia dụng.

Trong những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi người dân không tổ chức tiệc cưới xa hoa và yêu cầu sính lễ đắt đỏ. Thay vào đó, giới chức khuyến khách các đôi vợ chồng tổ chức đám cưới tập thể, kêu gọi phụ nữ từ chối của hồi môn và tạo ra các địa điểm tổ chức đám cưới với các bữa tiệc tiết kiệm.

Chi phí cưới hỏi đắt đỏ, tốn kém chính là lý do chính khiến giới trẻ từ chối phong tục cưới hỏi trang trọng.

Theo nghiên cứu do Tencent Guyu Data công bố vào năm 2021, thông thường, chi phí tổ chức một đám cưới ở Trung Quốc tốn khoảng 174.000 nhân dân tệ (600 triệu đồng), gấp 8 lần mức lương trung bình hàng tháng của một cặp vợ chồng trẻ.