“Khi tôi đi hẹn hò, tôi hay kể với đối phương về dự định mua túi hiệu Birkin trước năm 30 tuổi của mình, họ thường phản ứng theo hai cách, một là bật cười, hai là bắt đầu giảng giải đạo lý cho tôi nghe, đặc biệt là nếu tôi vẫn đang sống cùng bố mẹ”, Ellie, cô gái 21 tuổi kể những lần hẹn hò của mình. Cô luôn tò mò phản ứng của “bạn hẹn” khi biết một sự thật: để tiết kiệm tiền mua túi Birkin, Ellie sẽ sẵn lòng chuyển về sống cùng bố mẹ.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, ở Anh vào năm 2022, có 28% người trong độ tuổi 20 đến 34 đang sống với cha mẹ. Dữ liệu Điều tra dân số Hoa Kỳ gần đây tiết lộ rằng gần một nửa số người từ 18 đến 29 tuổi vẫn sống ở nhà, đây là con số cao nhất kể từ năm 1940.
Nhưng thay vì ở nhà cùng bố mẹ để tiết kiệm tiền cho những mục tiêu “truyền thống” như tiền đặt cọc mua nhà, tiền đám cưới, Ellie, cũng như rất nhiều Gen Z, đang thay đổi lại “cuộc chơi tài chính”, họ nhắm đến những mục tiêu xa xỉ, ngắn hạn, dễ đạt được hơn, đó là mua đồ hàng hiệu. Và mục tiêu này có thể khiến thế hệ trước “hốt hoảng”.
Trước khi đạt được mục tiêu túi Birkin, Ellie còn muốn mua đồng hồ Cartier trị giá gần 8.000 bảng Anh (234 triệu VND) và một chiếc túi Chanel vintage trị giá 4.000 bảng Anh (117 triệu VND). Cô kết luận, “Nếu tôi có thể mua được túi Chanel và đồng hồ trước thì tôi sẽ càng đến gần với mục tiêu mua túi Birkin 13.200 bảng (386 triệu VND) hơn”.
Sarah, 22 tuổi cũng không đầu tư cho các mục tiêu truyền thống như Ellie, thay vì đồ hiệu, cô tập trung vào đi du lịch, trải nghiệm. Cô cho biết: “Tôi tốt nghiệp ngay giữa đại dịch và không hề biết năm 2020 sẽ kinh hoàng như thế nào đối với thế hệ của chúng tôi”. Đứng trước biến động, Sarah chọn cách sống ở nhà, tiêu số tiền mình kiếm được cho trải nghiệm, đầu tư cho các sản phẩm ngắn hạn, dễ nắm bắt, thay vì tiết kiệm dài lâu để mua nhà. Một phần là bởi thời thế đã thay đổi, việc mua nhà hiện nay hoàn toàn khác xa với thời của bố mẹ họ.
Sarah cho biết số tiền tiết kiệm của cô vào khoảng 15.000 bảng Anh (439 triệu VND) và cô dự định sẽ chi tiêu cho các kỳ nghỉ và trải nghiệm. Mục tiêu lớn nhất hiện tại của cô là du lịch đến Maldives.
Blessing, 26 tuổi, hiện cũng đang sống ở nhà với bố mẹ. Cô cho hay mình đã tiết kiệm được 19.000 bảng Anh (556 triệu VND), và dự định mua một chiếc xe đạp điện trị giá 3.000 bảng Anh (87 triệu VND).
Dọn về nhà sống, góp phần tăng trưởng cho nền công nghiệp xa xỉ
Số lượng thanh niên sống với cha mẹ đang tăng lên mức kỷ lục, nhưng hiện tượng này cũng thúc đẩy sự bùng nổ của các nhãn hàng xa xỉ ở Mỹ và Anh, từ đó thị trường cũng sẽ hồi phục nhanh hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Vì vậy mà xu hướng này cũng được một số công ty tư vấn tài chính “gật đầu” ủng hộ.
Nhờ sự dịch chuyển xu hướng, doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn cầu đã tăng kha khá vào năm 2022, từ 305 tỷ đô (7 triệu tỉ VND) vào năm 2021 lên 366 tỷ đô (hơn 8 triệu tỉ VND) trong năm 2022, theo tờ Fortune.
Mức tiêu dùng đã trở lại tình trạng như trước khủng hoảng, nhiều nhà nghiên cứu tài chính nhìn nhận tình trạng này như một cuộc tái sinh.
Theo tạp chí thương mại Business of Fashion, thế hệ Z dự kiến sẽ chiếm 40% thị trường hàng xa xỉ toàn cầu vào năm 2035 và các tập đoàn xa xỉ đang tập trung nỗ lực tiếp thị đến nhóm nhân khẩu học này.
Những nhà mốt hàng đầu trong ngành công nghiệp xa xỉ như Chanel, Tom Ford và Dior đầu tư nhiều hơn các cửa hàng truyền thống. Trong 5 năm qua, họ cũng thay đổi các chiến dịch và sản phẩm để thu hút đối tượng Gen Z hơn, từ đồ da nhỏ gọn, giày thể thao cao cấp và những mẫu túi siêu nhỏ đều được thiết kế để nhắm đến nhóm đối tượng trẻ.
Grégory Boutté, giám đốc khách hàng và giám đốc kỹ thuật số của Kering, tập đoàn chuyên về hàng xa xỉ, cho biết, những người trẻ tuổi trên khắp thế giới là “nhân tố mạnh mẽ cho sự phát triển hàng xa xỉ trong thập kỷ qua” .
Đại diện của công ty tư vấn Oliver Wyman cũng bổ sung “Những người tiêu dùng Gen Z sinh trước năm 2010 góp phần lớn vào sự tăng trưởng của hàng xa xỉ trên thị trường vào năm 2022. Theo tính toán trung bình, thế hệ này lần đầu thực hiện giao dịch tài chính vào khoảng 15 tuổi, còn thế hệ trước đó thì là vào khoảng 18 đến 20 tuổi”.
Chuyển về sống cùng bố mẹ là xu hướng khó tránh khỏi
Nhìn chung, cuộc sống nhiều thế hệ đang gia tăng và đã diễn ra trong nhiều năm. Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew dựa trên dữ liệu điều tra dân số từ năm 1971 đến năm 2021, số hộ gia đình có từ hai thế hệ người trưởng thành trở lên đã tăng năm lần, từ 5% lên 25%, trong vòng 5 thập kỷ qua. Người trẻ đặc biệt muốn sống cùng gia đình phần lớn là vì lý do tài chính, bởi họ phải trả nợ sinh viên và chi phí nhà ở thì ngày một tăng.
Tất nhiên, bên cạnh nhóm bạn trẻ chuyển về sống cùng bố mẹ để tiết kiệm tiền cho các mục tiêu ngắn hạn thì vẫn có nhiều người mong muốn đạt được sự an toàn tài chính trước khi chuyển ra ngoài, lập gia đình, sinh con. Vì thế mà xu hướng này có thể chỉ mang tính thời điểm. Theo một cuộc thăm dò năm 2020 của New York Post, 37% thanh niên trì hoãn kết hôn vì họ muốn đảm bảo trả hết nợ trước, 29% muốn tiết kiệm mua nhà.
Tuy nhiên, không ai biết chắc sự dịch chuyển nào sẽ diễn ra trong 10 hay 20 năm tới. Đứng trước những biến động kinh tế khó lường như hiện nay, rất có thể số người muốn sống cùng bố mẹ sẽ tăng lên chứ không hề giảm đi.