T.H (26 tuổi tại Hà Nội) đang là nhân viên văn phòng, cô thường đi tiểu nhiều. Điều này khiến H tưởng thận của mình khỏe, lọc tốt. Tuy nhiên, gần một tháng trở lại đây, H đi tiểu với tần suất nhiều hơn, cứ 30 phút lại đi một lần. Đặc biệt, thời gian gần đây, cứ khoảng 10 phút H lại có cảm giác muốn đi vệ sinh, đêm ngủ cô cũng phải dậy đi vệ sinh 2-3 lần.
Việc đi tiểu nhiều làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt và công việc của H. Do mất ngủ nhưng sáng phải dậy đi làm nên H mệt mỏi, không thể tập trung vào công việc. Ở cơ quan thì H rất ngại với đồng nghiệp vì cô cứ phải liên tục ra nhà vệ sinh.
"Tôi đã phải uống cả thuốc an thần mà vẫn không thể tập trung vào công việc được", H nói.
Trước kia, H từng được chẩn đoán viêm đường tiết niệu nhưng đã được điều trị khỏi. Khi gặp tình trạng này, H cũng đã tự mua thuốc về uống nhưng tình trạng không cải thiện nên đã tìm tới bác sĩ để cầu cứu.
Đi tiểu nhiều có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý
Theo TS.BS Nguyễn Đình Liên – Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E), kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân H không mắc nhiễm trùng tiết niệu, không mắc bệnh lý lây qua đường tình dục, chức năng lọc của thận bình thường… Bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi tiểu nhiều của bệnh nhân là do bàng quang tăng hoạt.
Bàng quan tăng hoạt trong những năm gần đây ngày càng gia tăng ở người trẻ do có liên quan tới chế độ ăn, lối sống, cách sinh hoạt. Trên thực tế trong quá trình tiếp nhận khám bệnh, bác sĩ Liên đã gặp rất nhiều trường hợp bạn trẻ bị bàng quang tăng hoạt như H.
Có những bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đi tiểu nhiều đi khám không tìm ra bệnh. Sau đó, người bệnh phải "sống chung với lũ", làm ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống.
Với trường của H, bệnh nhân đã được chỉ định nhập viện điều trị nội trú 7 ngày. Ngoài dùng thuốc, nữ bệnh nhân còn được hướng dẫn cách nhịn tiểu, đồng thời bệnh nhân cũng được các bác sĩ bơm tăng dung tích bàng quang.
Sau một tuần điều trị, hiện nay tình trạng của H đã ổn hơn. Ban đêm H chỉ đi tiểu 1 lần, ban ngày khoảng 3 tiếng bệnh nhân mới đi tiểu một lần. Tâm trạng bệnh nhân đã tốt hơn rất nhiều so với lúc mới vào viện.
Bác sĩ Liên lưu ý với trường hợp của H, sau khi ra viện bệnh nhân sẽ vẫn phải tiếp tục điều trị thuốc, tập nhịn tiểu theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.
"Bàng quan tăng hoạt không phải bệnh lý gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng sống của người bệnh. Vì thế, khi thấy triệu chứng tiểu nhiều, đi tiểu xong vẫn căng tức bụng thì mọi người nên đi khám sớm", bác sĩ Liên nói.
Trước tình trạng ngày càng có nhiều bạn trẻ mắc bàng quang tăng hoạt, bác sĩ Liên khuyên mọi người nên xây dựng và duy trì chế độ sinh hoạt ăn uống lành mạnh, tăng cường thể dục thể thao để phòng bệnh.
Đối với người đã mắc bàng quang tăng hoạt, người bệnh cần ghi lại "nhật ký đi tiểu", tập đi tiểu theo giờ, điều chỉnh chế độ ăn uống (hạn chế một số thức ăn và thức uống có tính kích thích), điều chỉnh lượng nước uống vừa phải, nếu bị tiểu đêm nhiều thì nên hạn chế uống nước sau 18 giờ hoặc trong vòng 3-4 giờ trước khi ngủ.
Ngoài ra, người bệnh cần phải tuân thủ uống thuốc để phòng tránh bệnh tái phát hoặc tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn. Bác sĩ cho biết thực tế có nhiều người sau 1-2 tuần điều trị ổn định đã ngừng thuốc, trong khi thuốc phải dùng kéo dài đến 2-3 tháng mới đem lại hiệu quả cao.