Gần đây, nhiều phụ huynh cảm thấy rùng rợn với kênh Youtube có tên: "Chuyện kể có thật". Đây là một kênh khá nổi tiếng, thành lập từ ngày 14/8/2019 và có hơn 257.000 người đăng ký. Theo giới thiệu kênh, "Chuyện kể có thật" là một nền tảng kỹ thuật số, đem lại cho mọi người cơ hội để chuyển những câu chuyện riêng tư thành phim hoạt hình và chia sẻ nó với mọi người trên khắp thế giới.
Cho dù đó là một câu chuyện kết thúc có hậu hay đau khổ, thách thức hay thất bại, kể về một cái gì đó nghiêm túc và buồn bã hay chỉ để cho vui...".
Không biết độ chính xác của các câu chuyện trên trang này đến đâu nhưng có rất nhiều video mang tính rùng rợn như: "Mẹ tôi nhốt tôi. Bà ấy nói rằng tôi sẽ chết nếu tôi ra ngoài", "Người yêu của mẹ quay lại để phá hủy gia đình tôi", "Cha mẹ tôi siêu giàu nhưng tôi thì chết đói", "Tôi đứng nhìn nhà tôi bị cháy và bố tôi đang ở trong đó", "Tôi mắc phải một sai lầm và gia đình đã đá tôi ra khỏi cuộc sống của họ", "Tôi nướng bánh có độc để mừng sinh nhật mẹ kế",…
Trong câu chuyện "Nướng bánh có độc mừng sinh nhật mẹ kế", cô bé Mona bị tổn thương tâm lý khi bố mẹ ly dị. Sau đó, bố lấy vợ mới nên Mona tủi thân và tỏ ra ganh ghét.
Vì muốn bố quay về với mẹ ruột nên Mona quyết định đầu độc mẹ kế bằng cách tặng một chiếc bánh sinh nhật có độc. Người mẹ kế sau đó phải nhập viện và suýt mất mạng nếu như không được cấp cứu kịp thời. Dù biết về hành động của Mona nhưng mẹ kế quyết định tha thứ cho cô bé. Chính điều này khiến Mona cảm động và sửa chữa sai lầm, nhận ra được tình cảm mẹ kế dành cho mình.
Dù "Chuyện kể có thật" không phải kênh dành cho trẻ em nhưng mỗi clip đều thể hiện bằng hoạt hình nên trẻ rất có thể nhầm tưởng và bấm vào xem. Điều này là vô cùng nguy hại khi các nội dung của kênh không phù hợp với tư duy, độ tuổi của trẻ. Trong trường hợp câu chuyện "Nướng bánh có độc mừng sinh nhật mẹ kế", dù câu chuyện kết thúc có hậu ở phần cuối, nhưng trẻ có thể bắt chước theo cách "nướng bánh có độc" để trả đũa người mình ghét.
Tuy nhiên, chúng ta không thể đổ lỗi cho Youtube. Vấn đề đặt ra ở đây là phụ huynh cần làm những gì để quản lý những nội dung con xem, đồng thời bảo vệ con khỏi những video độc hại.
Sử dụng tài khoản gia đình
Nếu có con nhỏ (dưới 12 tuổi), bố mẹ có thể bảo vệ con khỏi các nội dung nguy hiểm trên Youtube bằng cách thiết lập một tài khoản gia đình, tạo tài khoản Gmail và lập kênh Youtube đi kèm.
Tài khoản gia đình sẽ cho phép bố mẹ tạo danh sách phát các video được phê duyệt và đăng ký các kênh thân thiện với gia đình. Nếu con bạn xem video trên tài khoản này, chúng sẽ hiển thị trong danh sách lịch sử bên trái để bạn có thể theo dõi.
Để giữ tài khoản gia đình an toàn, bố mẹ có thể thiết lập một số lớp bảo mật như:
- Tắt tùy chọn tìm kiếm và tạm dừng lịch sử xem.
- Bật chế độ an toàn/chế độ hạn chế.
- Khóa chế độ an toàn bằng cách sử dụng các thông tin đăng nhập.
- Gắn cờ các video có nội dung không phù hợp.
- Tắt chế độ tự động phát trên Youtube.
Cài đặt và sử dụng Youtube Kids
Youtube Kids là ứng dụng thân thiện với trẻ em. Toàn bộ các nội dung đều được chọn lọc bởi ban biên tập của Google. Giao diện ứng dụng thân thiện, dễ sử dụng và không có quảng cáo trong quá trình xem.
Chủ đề của Youtube Kids gồm 4 phần chính: Âm nhạc, học tập, khám phá và chương trình. Bố mẹ có thể tạo hồ sơ phù hợp với từng độ tuổi của con.
Ngoài ra, bố mẹ có thể quản lý ứng dụng bằng mật khẩu và quản lý thời gian xem kênh Youtube của con bằng chế độ hẹn giờ.
Cách cài đặt Youtube Kids trên điện thoại hoặc máy tính bảng
Bước 1: Tải ứng dụng trên nền tảng Android hoặc iOS.
Bước 2: Truy cập vào ứng dụng rồi nhấn nút Bắt đầu để sử dụng.
Bước 3: Nhập số tuổi của bố mẹ rồi nhấn nút "Xác nhận".
Bước 4: Ứng dụng sẽ giới thiệu nội dung của ứng dụng, nhấn biểu tượng mũi tên phải để tiếp tục.
Bước 5: Để sử dụng được YouTube Kids, chúng ta sẽ cần đăng nhập tài khoản Gmail. Như vậy có thể tạo hồ sơ cho trẻ cũng như chọn nội dung hiển thị. Nhấn tiếp vào mũi tên phải để tiếp tục.
Bước 6: Trong giao diện mới cuộn nội dung xuống dưới và nhập mật khẩu cho tài khoản đăng nhập rồi nhấn nút "Xác nhận".
Bước 7: Tiếp tục tạo hồ sơ cho trẻ bằng cách nhập Tên, Độ tuổi và Tháng sinh của trẻ. Nhấn tiếp mũi tên bên phải để tiếp tục.
Bước 8: Ứng dụng sẽ hỏi người dùng có muốn bật tính năng tìm kiếm hay không. Nếu bật tính năng tìm kiếm thì trẻ vẫn sẽ tìm được những video khác có trong ứng dụng.
Cuối cùng ứng dụng đã tạo thành công hồ sơ cho trẻ. Nếu muốn thêm hồ sơ khác thì nhấn vào biểu tượng dấu cộng.
Sát sao hơn với con
Ngày nay, nhiều bậc cha mẹ thường có thói quen cho con xem điện thoại để mình có thể rảnh rỗi làm những công việc khác. Chính vì sự chủ quan này mà nhiều bố mẹ đã khiến con gián tiếp tiếp xúc với những nội dung không phù hợp trên Youtube.
Thay vì đổ lỗi cho Youtube, bố mẹ nên sát sao hơn trong việc quản lý những nội dung con xem, nhờ vào những biện pháp sau:
- Kiểm tra máy tính, điện thoại của con một cách ngẫu nhiên. Hãy nhìn vào lịch sử xem của con, nếu lịch sử trống thì cần phải nghi ngờ. Có thể con bạn đã xóa lịch sử xem để tránh bị bố mẹ phát hiện việc xem những nội dung không lành mạnh.
- Đảm bảo bật chế độ hạn chế trên mọi ứng dụng và trình duyệt mà con bạn sử dụng.
- Nói chuyện thẳng thắn với con về những việc chúng cần làm khi thấy những nội dung xấu trên Youtube, đồng thời đưa ra hậu quả, hình phạt nếu chúng cố xem.
- Biết tên và mật khẩu tài khoản Youtube của con.