Vào ngày 9/5/2023, bức ảnh chụp một quán cà phê được đăng trên cộng đồng trực tuyến ở Hàn đã làm nhiều người phẫn nộ. Trên cửa của quán cà phê có dòng chữ: “Khu vực không dành cho người cao tuổi (người già trên 60 tuổi)”. Bên cạnh dòng chữ là một sticker ám chỉ rằng quán cà phê vẫn cho phép chó dẫn đường (chó được đào tạo để dẫn đường cho người khiếm thị) vào quán.

Người đăng bức ảnh chỉ trích quán cà phê rằng: "Tôi không biết tại sao chủ quán cà phê lại quyết định treo những tấm biển như vậy, nhưng tôi lo là bố mẹ tôi có thể nhìn thấy khi đi ngang qua". Những người dùng khác trong cộng đồng cũng tham gia vào cuộc tranh luận, mọi người đều không muốn càng ngày càng có nhiều nơi đối xử phân biệt một nhóm người cụ thể như thế này.

Tuy nhiên, cũng có một số người dù không phản đối nhưng cũng không đổ lỗi cho chủ quán. Một người trên trang netizenbuzz bình luận có nhiều nhóm người già đến quán cà phê ngồi 5-6 tiếng, chia nhau vài ly cà phê, rồi mang đồ ăn tự mang theo, làm rơi vãi lung tung, ảnh hưởng đến quán. Suy cho cùng thì chủ doanh nghiệp có quyền điều hành quán theo cách mà họ muốn.

Xuất hiện quán cà phê cấm người già, liệu đây là khởi đầu cho làn sóng phân biệt độ tuổi khách hàng ở Hàn Quốc? - Ảnh 1.

Giáo sư xã hội học Lee Min-ah tại Đại học Chung-Ang cho biết, sự xuất hiện liên tục của nhiều “vùng cấm” trong xã hội có nghĩa là sự phân biệt càng tăng lên, mọi người càng khó cảm thông cho nhau.

Trong nỗ lực nâng cao nhận thức của công chúng về hành vi phân biệt đối xử như vậy, Hạ nghị sĩ Yong Hye-in vào tuần trước đã có bài phát biểu chống lại các khu vực cấm trẻ em.

“Chúng ta cần một xã hội không chỉ coi trọng tốc độ và năng lực mà còn cả sự chậm chạp và thiếu kinh nghiệm. Để giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp nhất trên thế giới, chúng ta phải thay đổi một nền văn hóa coi thường cả trẻ em và người già”, Yong Hye-in nói.

Xuất hiện quán cà phê cấm người già, liệu đây là khởi đầu cho làn sóng phân biệt độ tuổi khách hàng ở Hàn Quốc? - Ảnh 2.

Yong Hye-in bế theo con nhỏ trong buổi phát biểu

Trong khi đó, Hội đồng tỉnh Jeju đã công bố hôm thứ Hai (8/5/2023) rằng họ sẽ xem xét lại sắc lệnh về khu vực cấm trẻ em. Sắc lệnh đệ trình lên hội đồng cố gắng “khuyến nghị” các doanh nghiệp không tự chỉ định và ra điều luật cấm trẻ em để bảo vệ quyền con người và tạo môi trường cho sự phát triển và trưởng thành lành mạnh của trẻ em.

Xuất hiện quán cà phê cấm người già, liệu đây là khởi đầu cho làn sóng phân biệt độ tuổi khách hàng ở Hàn Quốc? - Ảnh 3.

Tấm biển cấm trẻ em trước một quán cà phê

Chung Ick-joong, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Quyền trẻ em, nói rằng cần có sự thay đổi cơ bản trong nhận thức của người dân, bởi bất cứ ai cũng có thể là mục tiêu của sự thù hận, phân biệt đối xử.

“Có thể bạn không thoải mái khi ở cùng với trẻ em hoặc người già, nhưng ai cũng từng là một đứa trẻ và sẽ là người già vào một thời điểm nào đó trong đời. Nếu một người hiểu rằng mình cũng có thể bị phân biệt đối xử một ngày nào đó, họ sẽ cư xử cẩn thận hơn với người khác”, Ick-joong nói.

Có thực sự là quán cà phê đối xử phân biệt với người già?

Theo Trung tâm nghiên cứu phúc lợi xã hội Jeju, đảo Jeju có tỷ lệ khu vực cấm trẻ em cao do địa điểm du lịch này có nhiều nhà hàng và quán cà phê nhỏ với bầu không khí ấm cúng, yên tĩnh. Việc cấm một phần đến từ việc nhiều đứa trẻ quá quậy phá nhưng cha mẹ lại không kỷ luật con mình, gây phiền hà đến khách hàng nơi công cộng.

Nhưng cấm người già là một điều hiếm thấy, bởi từ trước đến giờ, người Hàn Quốc vẫn luôn có thái độ kính lão đắc thọ.

Quán cà phê hứng bom bay đạn lạc của cộng đồng mạng đã gỡ gạc được một chút khi sau đó một người dùng ẩn danh đã giải thích cụ thể về lý do đằng sau. Theo người này, chủ quán cà phê là một người phụ nữ và có hai con đang là sinh viên Đại học. Một số người đàn ông lớn tuổi trong khu phố thường đến quán cà phê và quấy rối cô bằng ngôn từ thiếu phù hợp. Vì quá khó chịu nên cô đã phải tự ra điều luật cấm những người trên 60 tuổi đến đây, chủ yếu là nhắm đến nhóm đàn ông thiếu chuẩn mực kia. Sau bài post, đã có nhiều người lên tiếng cảm thông và hiểu cho quyết định của chủ quán.