Trong chuỗi thông tin lùm xùm về chuỗi cửa hàng Món Huế đóng cửa hàng loạt thời gian qua, nhà sáng lập của Món Huế, ông chủ của Huy Việt Nam Huy Nhật , người được cho là đã bỏ trốn vì nợ các nhà cung cấp gần 20 tỷ đồng bất ngờ xuất hiện tại TP.HCM vào ngày 14/11 và liên lạc với một nhóm nhỏ nhà báo để trình bày về tình hình của mình.
"Tôi đã bị gạt ra khỏi công ty mà mình sáng lập"
"Tôi đã bị loại ra khỏi doanh nghiệp mình sáng lập mà không hề hay biết và hiện nay đang cố giành lại nó. Tôi nghĩ rằng cho đến khi có kết quả, tôi mới có đủ quyền hành cũng như nghĩa vụ pháp lý để giải quyết các vấn đề hiện nay từ nợ lương nhân viên đến công nợ với nhà cung cấp. Tuy nhiên, sức ép lên danh dự cá nhân, gia đình và cả tương lai phía trước quá lớn, tôi phải xuất hiện. Đây là cú sốc lớn", ông Huy Nhật nói trong buổi trả lời phỏng vấn với Tuổi Trẻ Online.
Điều gì đã xảy ra với Món Huế
Theo lời kể của Huy Nhật với Zing, xung đột xảy ra bắt đầu từ tháng 5/2019 khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài giành lấy quyền điều hành và gạt ông này ra khỏi Huy Việt Nam.
"Trong 6 ghế của hội đồng quản trị (HĐQT) thì có 3 ghế của phía NĐT, 3 ghế còn lại là người của Huy Việt Nam. Khi có xung đột, nhóm này yêu cầu tăng lên 4 ghế trong HĐQT nhưng tôi không đồng ý. Chính vì tranh chấp này, hai bên đã đưa nhau ra trọng tài kinh tế ở Hong Kong để giải quyết.
Vụ việc vẫn đang được trọng tài kinh tế Hong Kong phân định và chưa có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, ngay trong khi đợi phán quyết cuối cùng, nhóm NĐT đã đơn phương lập Nghị quyết Hội đồng quản trị không hợp pháp, không có sự tham gia của 3 thành viên Hội đồng quản trị đại diện cho tôi, không có chữ ký của tôi với vai trò chủ tịch, không có con dấu của công ty.
Họ đã dùng chính văn bản này, mang về Việt Nam và nộp lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM để thay đổi người đại diện pháp nhân Huy Việt Nam mà tôi không hề hay biết. Tình cờ bộ phận pháp lý của tôi làm việc mới phát hiện ra tôi không còn là đại diện pháp nhân của công ty. Khi đó chúng tôi mới ngỡ ngàng và đến Sở Kế hoạch và Đầu tư hỏi về sự việc và công an để khai báo", ông chủ Món Huế chia sẻ với Zing.
Thực tế trong giấy phép hoạt động kinh doanh của Huy Việt Nam, người đại diện theo pháp luật là ông Huy Nhật đã bị thay thế bởi một nhân vật tên là Nguyễn Quỳnh Anh. Huy Nhật cho biết chưa từng gặp nhân vật này và người này "được thuê để làm đại diện pháp luật". Ngày 5/10, thời điểm các nhà cung cấp tìm đến Món Huế để đòi thanh toán nợ và các clip này được phát tán lên mạng xã hội sau đó, Huy Nhật cho rằng người đại diện pháp luật mới của công ty đã đến "xâm chiếm trụ sở văn phòng và bếp trung tâm, uy hiếp tinh thần toàn bộ nhân viên, gây ra sụp đổ hệ thống".
Huy Nhật cho biết thời điểm bùng nổ thông tin về Món Huế không "chạy trốn" ra nước ngoài mà vẫn ở TP.HCM.
Sẵn sàng làm lại Món Huế
Huy Nhật cho biết các thông tin bất lợi về mình ở Việt Nam là do phía các Nhà đầu tư tạo ra để hạ bệ uy tín và "tốt hơn cho việc tranh chấp tại Hong Kong". Ông này cho rằng sẽ chấp nhận lui về vị trí cổ đông nếu có người khác phù hợp và đủ khả năng thay thế. Tuy nhiên vẫn kỳ vọng "nếu giành lại được pháp nhân của mình, sẽ sẵn sàng làm lại Món Huế và giải quyết các vấn đề của công ty".
Một thông tin được hé lộ ông này chia sẻ "Ngay cả khi Món Huế không còn được yêu thích như trước nữa, chúng tôi cũng có thể đổi hướng sang các con đường khác phù hợp với xu thế hơn." Điều này có vẻ "khớp" với thông tin nhà hàng Huy Seafood Garden Hotpot tuyển dụng nhân sự để chuẩn bị khai trương tại địa chỉ 138 Lý Tự Trọng, Bến Thành, quận 1, Tp.HCM. Nhà hàng này thuộc quản lý của Nhà hàng Long khang, do Huy Nhật nắm 61% vốn.
Huy Nhật nắm giữ 30% công ty
Chia sẻ với truyền thông, Huy Nhật cho biết vẫn đang nắm giữ 30% công ty và là cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này mặc dù không còn quyền điều hành.
"Tuy nhiên, hiện nay tôi không còn điều hành, không còn là đại diện pháp lý nên không biết lấy tư cách gì để thanh toán cho người ta. Tôi nói chuyện với luật sư, họ nói dù muốn thanh toán công nợ cho những nhà cung cấp hay trả nợ lương nhân viên thì cũng cần dựa trên pháp lý", ông này nói.
Có một điểm mâu thuẫn giữa thông tin đưa ra cho truyền thông của Huy Nhật và nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Huy Nhật cho rằng mình là cổ đông lớn nhất nhưng lại "chưa thể xác nhận" thông tin Món Huế lỗ 50 tỷ các năm trước và lũy kế nợ phải trả lên tới 800 tỷ vì "không thể tiếp cận về thông tin tài chính", trong khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng bỏ ngỏ việc xác nhận thông tin về báo cáo tài chính và khẳng định "họ không biết được thực tế này. Ông Huy Nhật đã cung cấp cho các nhà đầu tư các báo cáo tài chính cho thấy việc kinh doanh đang tăng trưởng và thu về lợi nhuận".
Trước đó, một nhóm các nhà đầu tư lớn của Công ty Huy Việt Nam Group Limited đã thay mặt công ty tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện ông Huy Nhật, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Công ty tại Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, các nhà đầu tư này cũng đã thành công trong việc xin được lệnh phong tỏa tài sản của ông Huy Nhật từ các cơ quan tài phán ở nước ngoài.
Những động thái pháp lý này nhắm tới ông Huy và các cộng sự, bao gồm bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Điều hành của Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, liên quan đến cáo buộc vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của người quản lý, các giao dịch bất thường và có thể có yếu tố lừa đảo, theo đó ông Huy Nhật đã chiếm dụng một lượng lớn tiền mặt và tài sản.
Cùng với các nhà đầu tư, nạn nhân của các hoạt động có yếu tố lừa đảo này gồm cả nhân viên, nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh. Việc đóng cửa hàng loạt các nhà hàng khi chưa có các chấp thuận cần thiết từ các nhà đầu tư, và cũng không vì lý do thương mại rõ rệt, đã khiến hơn 1.500 nhân viên người Việt mất việc làm.