Các em nhỏ may mắn được sống trong sự yêu thương của gia đình, được mặc những bộ trang phục ông già Noel đi chơi cùng bố mẹ. Điều tưởng như giản dị ấy nhưng lại là ước mơ của rất nhiều trẻ em nghèo, trẻ em lang thang, cơ nhỡ.
Len lỏi vào dòng người đông đúc ở Công viên Lê Thị Riêng (Q. Tân Bình, TP.HCM) là em Nguyễn Thị Thanh Hiền (12 tuổi, quê ở Bến Tre) đang xin từng chai nước người ta uống xong, nhặt những thứ người ta vứt đi để bán ve chai kiếm sống qua ngày. Lúc 10 tuổi, chán cảnh gia đình ngày ngày ba mẹ cãi nhau, ba đánh em mỗi khi ông bất mãn về tiền bạc, em theo người chị họ lên thành phố phụ bán quán cơm.
Thế nhưng, không thể ở được với người chủ quán hà khắc, lại thường sàm sỡ mình, em bỏ đi lang thang, ngày đêm nhặt ve chai kiếm sống. Tối đến, em chui vào bao bố, bạ đâu ngủ đó. Được hỏi ước mơ đêm Giáng sinh, hai hàng nước mắt đua nhau rơi xuống: “Em rất nhớ nhà, nhớ mẹ và các em, nhưng em không nhớ đường về. Nếu điều ước đêm Giáng sinh có thật, em ước sau khi ngủ dậy, mở mắt ra thì em đang ở nhà, nằm bên cạnh mẹ. Lúc đó, cha có đánh hay mắng chửi em cũng thấy vui”.
Em Võ Minh Tâm, một cậu bé giàu tình cảm, luôn ước bình yên đến với gia đình của mình.
Với cậu bé Võ Minh Tâm (14 tuổi) sống nội tâm, đầy tình cảm, em đang ở trong mái ấm Tre Xanh (đường Calmette, Q.1) nhưng luôn hướng về gia đình, hướng về người mẹ đang bị bệnh tâm thần, hướng về ông bà ngoại già yếu vẫn ngày đêm vất vả, và đứa em mà em chỉ mới gặp mặt 2 lần. Nhiều lần rất nhớ nhà nhưng với quyết tâm được học chữ để đi học nghề, em chỉ xin về nhà vào dịp Tết.
Em tâm sự: " Đêm Giáng sinh lạnh lắm, em ước ông bà không phải thức khuya buôn bán, ước trời đừng gió mạnh quá, em sợ nhà của em không chịu nổi, em sợ nó sập. Em mong muốn mẹ chữa khỏi bệnh. Em ước mình được xóa mù chữ để đi học nghề, kiếm tiền lo cho gia đình. Em không biết em của em đã lớn như thế nào, nhưng em ước cho nó đừng bị bệnh và luôn ngoan ngoãn”.
Em Nguyễn Anh Tuấn với ước mơ trở thành cảnh sát để dẫn dắt những đứa trẻ quanh khu nhà mình nên người và tìm lại em ruột đã bị mẹ bán từ rất lâu.
Có lẽ, vì trải qua một tuổi thơ đầy sóng gió, mẹ em bị bắt vì buôn bán ma túy, ra trại không lâu, mẹ sinh em ra nhưng bỏ em ngoài đường, được bà ngoại mang về nuôi dưỡng. Nơi em ở, sáng thấy đánh nhau, chiều thấy con nghiện, nên Nguyễn Anh Tuấn (14 tuổi) có những suy nghĩ rất người lớn: “Lúc nhỏ em bị mẹ bỏ ra đường, bà ngoại mang về nuôi. Em thường cầm đầu mấy đứa trong xóm quậy phá, đánh nhau, không việc gì em không dám làm, ngoại em sợ em dính vào ma túy nên gửi em cho các cô trong mái ấm Tre Xanh. Em đang cố gắng học thật tốt, học xong lớp 12 em sẽ đăng ký đi nghĩa vụ quân sự, sau đó em về thi vào ngành cảnh sát để ngoại tự hào về em, và khi làm cảnh sát em cũng giúp được mấy đứa trong xóm cho tụi nó nên người, không quậy phá nữa. Sau đó, em sẽ tìm lại người em ruột bị mẹ bán khi còn rất nhỏ”.
Khi hỏi em mong ước gì trong đêm Giáng sinh, bé Dương Sở Quân đã ra ký hiệu về một ngôi nhà với đầy ắp tình yêu thương.
Chiều nào cũng vậy, nếu ai đi ngang con hẻm nhỏ dưới chân cầu Calmette (Q.1) cũng sẽ bắt gặp một bé gái gầy gò, ốm yếu nhưng trên môi vẫn luôn nở nụ cười rất sáng. Bé gái đó là em Dương Sở Quân (11 tuổi, bị câm điếc bẩm sinh). Ba mẹ ly dị, em sống nhờ vào tình thương của ông nội. Ông của em làm nghề chạy xe ôm, ngày nào cũng vậy ông đi từ rất sớm, nhưng đến tận 1h sáng hôm sau mới về. Vì đợi ông, em chỉ còn biết chơi với hết đứa trẻ này, đến đứa trẻ khác. Khi chúng về ngủ, thì em ngồi một mình, nhìn ra đường để đón ông.
Khi được hỏi em ước gì trong đêm Giáng sinh, em ra ký hiệu là một ngôi nhà, giơ 4 ngón tay đại diện cho ông nội, ba, mẹ và em. Em ước ông nội đi làm về sớm hơn để chơi với em, ước có quần áo mới, được hát như mọi người, được nghe âm thanh xung quanh, và được nghe tiếng của mẹ, được nói với mẹ là em yêu mẹ rất nhiều.
Những điều ước tưởng chừng rất giản đơn, rất đời thường, nhưng với các em dường như quá đỗi khó khăn để có được. Đêm Giáng sinh đã cận kề, hy vọng mọi sự an lành sẽ đến với các em, mong cho các em được ngủ tròn giấc, và những điều ước nhỏ nhoi đó trở thành sự thật.