"Chưa bao giờ tôi nghĩ được tổ chức đám cưới, ước mơ lắm, có khi đi ngang một tiệm áo cưới tôi cứ nói với chồng hoài: 'Em thích mặc cái áo đó mà chắc không có cơ hội'. Chồng tôi cũng nói an ủi: 'Mình có đám cưới đàng hoàng mà, anh cũng cưới em rồi, nếu có cơ hội mình đi chụp lại hình cưới nhen', chỉ vậy thôi chứ tôi không nghĩ là một ngày mình sẽ được như hôm nay".
Đó là những lời tâm sự của chị Trương Thị Thanh Lan tại Lễ cưới tập thể diễn ra chiều ngày 2/12 tại Liên đoàn Lao động quận Bình Tân. Được biết, lễ cưới này là mơ ước cũng như mong mỏi của chị Lan và chồng cũng như nhiều cặp vợ chồng khác.
Các cặp đôi chờ đến giờ được làm lễ.
Chương trình Lễ cưới tập thể được tổ chức bởi Ban thường vụ Liên đoàn Lao động Quận phối hợp với Quận đoàn, Hội liên hiệp Phụ nữ thực hiện. Trong không khí ấm cúng và hạnh phúc, 10 cặp đôi lần lượt được gọi tên và trở thành những cô dâu, chú rể xinh đẹp và trang trọng nhất đời mình. Toàn bộ chi phí của chương trình đều do đơn vị tổ chức chi trả.
Sau một thời gian dài xét duyệt hồ sơ, các cặp đôi sẽ được lên lịch chụp ảnh cưới, thử đồ cưới theo kế hoạch. Mỗi cặp đôi sẽ được mời khoảng 20 người nhà đến tham dự, các bàn tiệc cho quan khách cũng đều do đơn vị tổ chức đứng ra bảo trợ từ công đoạn chọn món đến phần thiết đãi.
"Ông xã ơi mình được làm đám cưới rồi, nghe nói mặc áo cưới đẹp lắm"
Sau khi nghe tin vợ chồng mình được Liên đoàn lao động quận chọn trở thành cặp "dâu rể" trong Lễ cưới tập thể diễn ra tối ngày 2/12, chị Trương Thị Thanh Lan (hiện đang là công nhân công ty Pouyuen) không khỏi xúc động, oà khóc và báo ngay tin cho chồng mình là anh Trần Công Minh (lao động bốc vác tự do). Theo chị Lan, sau thời gian dài đăng ký kết hôn, vì hoàn cảnh khó khăn và phải lo chi phí đỡ đần gia đình nên đám cưới dường như là "ước mơ cả đời" của hai vợ chồng.
"Tôi đã đăng ký tham gia cách đây khoảng 1 năm rồi, nhưng nghĩ là "chắc đông người đăng ký quá mình không được chọn" sau đó tôi đợi một thời gian nữa thì được công đoàn gọi. Khi hay tin tôi chạy về nói với ông xã: "Ông xã ơi mình được làm đám cưới rồi, nghe nói mặc áo cưới đẹp lắm", hồi xưa nghèo lắm không được mặc đồ cưới đẹp như bây giờ. Khi hay tin được tổ chức đám cưới, tôi mừng lắm, nói với ông xã, ông xã lúc ấy cũng mừng. Tôi cho con gái hay, ngày nào cháu cũng dậy sớm, có hôm bé nói với tôi: "Mẹ ơi con đi làm để dành tiền mua quà cưới tặng mẹ".
Kể với chúng tôi, chị Lan cho biết, con gái của hai vợ chồng đã được 14 tuổi, vì hoàn cảnh khó khăn nên cô bé cũng làm thêm việc nhẹ để phụ giúp mẹ trang trải chi phí trong gia đình.
"Hay tin tôi nói với ba tôi, ba tôi xúc động lắm nhưng mà không đến dự được. Ngày xưa ba đi đứng bình thường nhưng giờ ba không đi được. Còn gia đình chồng khi hay tin ai cũng mừng. Xúc động lắm. Tới giờ tôi được mặc áo cưới hai lần, nhưng lần này đặc biệt hơn vì nó đúng ngay ngày kỷ niệm 15 năm vợ chồng tôi chính thức về sống với nhau", chị Lan không giấu được nước mắt, bật khóc nói.
Cô dâu bật khóc trong Lễ cưới tập thể
Được biết, lễ cưới tập thể là chương trình diễn ra mỗi quý một lần. Được thực hiện với mục đích chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên, công nhân và hội viên, phụ nữ của quân Bình Tân. Thông qua đó cũng phát huy các giá trị truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc. Các cặp vợ chồng được chọn sẽ là những cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn, có giấy đăng ký kết hôn nhưng chưa tổ chức đám cưới.
Ngoài chị Lan, một số cặp đôi khác cũng có "chứng nhân tình yêu" là con trẻ đến dự đám cưới của ba mẹ.
"Vợ chồng tôi không dám nghĩ tới đám cưới"
Đồng cảnh ngộ với chị Lan, chị Lê Thị Mộng Thu (công nhân, ngụ Đồng Tháp) cũng không giấu được sự hồi hộp tại lễ cưới của mình.
"Hai chúng tôi đi làm rồi gặp, quê nhà của cả hai nơi quá xa, hoàn cảnh cũng khó khăn nên từ trước giờ hai gia đình chỉ có gặp mặt nói chuyện với nhau để cho hai đứa về ở chung. Ước mơ của tôi là được tổ chức đám cưới", chị Thu nói.
Chị Thu cho biết, ban đầu khi hay tin vợ chồng mình được chọn tổ chức lễ cưới miễn phí, chị đã thông báo cho chồng mình là anh Đinh Khắc Hoàng (công nhân, quê Quảng Ngãi), nhưng vì ngại đã có tuổi cũng như đời sống khó khăn nên anh Hoàng ban đầu không đồng ý.
Các cặp đôi được sắp xếp tiến vào bên trong trao nhẫn, làm lễ cưới chính thức.
Tuy vậy sau những lời thuyết phục của vợ đồng thời mở lòng với mong muốn của chính mình, nói với chúng tôi, anh Hoàng (công nhân, quê Quảng Ngãi) bộc bạch: "Làm công nhân làm công ăn lương, thu nhập không bao nhiêu, cả hai vợ chồng tôi đâu dám nghĩ tới đám cưới, tôi thấy vui."
Chị Thu cho hay toàn bộ chi phí của lễ cưới này cả hai vợ chồng đều được đơn vị tổ chức hỗ trợ đến mức tối đa. Cụ thể, một cặp vợ chồng sau khi được chọn trở thành cô dâu - chú rể cho Lễ cưới tập thể sẽ được hỗ trợ nhẫn cưới, chụp ảnh phóng sự, truyền thống, quay phim cưới, ngoài ra còn có hoa cầm tay, trang điểm, trang phục cưới, bàn tiệc cho người thân tham dự, bánh cưới,...
"Không dám tưởng tượng đến chi phí của một đám cưới"
Giống như các cặp đôi khác, chị Lê Kim Hiếu (công nhân công ty Pouyuen) và anh Võ Thành Tuyên (lao động tự do) cũng không giấu được niềm phấn khởi và hào hứng trong lúc chờ đến giờ được xướng tên lên làm lễ trước bạn bè, người thân trong gia đình. Có mặt cùng cả hai còn có cậu con trai nhỏ.
"Chúng tôi quen nhau qua mạng xã hội đến nay đã 8 năm. Gia đình chúng tôi gặp nhau, uống trà, nói chuyện rồi cho cả hai đứa về sống với nhau cho đến nay. Thu nhập của hai vợ chồng chỉ vừa đủ phụ giúp gia đình hai bên, lo cuộc sống hàng tháng, nên không khi nào tôi nghĩ cả hai sẽ tổ chức được một lễ cưới như vậy. Tôi không tưởng tượng được chi phí của một đám cưới", chị Hiếu nói.
Đại diện các cơ quan, ban ngành đoàn thể trao quà cưới cho các cặp đôi, đơn vị tài trợ qua đó cũng đã tặng họ một cặp nhẫn cưới vàng.
Anh chị gửi lời cảm ơn đến các đoàn thể, ban ngành đã giúp đỡ vợ chồng mình có được một đám cưới như mơ.
"Lễ cưới đối với một cặp đôi rất quan trọng nhưng do gia đình hai bên khó khăn quá lo con nhỏ rồi phụ giúp gia đình, được mọi người hỗ trợ chúng tôi rất vui và rất biết ơn các đơn vị. Khi hay tin, cha mẹ hai bên nhà tôi và nhà vợ mừng lắm".
Hoàn tất phần lễ, các cặp đôi được thiết đãi người nhà mình ở các bàn tiệc.
Được biết, dự Lễ cưới tập thể còn có lãnh đạo các ban ngành thành phố, lãnh đạo quận, uỷ. Ngoài ra, cũng tại lễ cưới đặc biệt này, đại diện Liên đoàn lao động thành phố, Thành đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên thành phố, Quận uỷ, Liên đoàn lao động quận, Hội Liên hiệp phụ nữ quận, Quận đoàn, các nhà tài trợ và Công đoàn các doanh nghiệp có công nhân tham dự lễ cưới cũng đã đóng góp các phần quà giá trị cho các cặp vợ chồng.
Thời gian tổ chức tính từ khâu duyệt hồ sơ (30/9) đến thời điểm chương trình diễn ra là hơn 2 tháng. Kinh phí tổ chức rơi vào khoảng 350 triệu đồng.