Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Riêng – người con ưu tú của quê hương Bạc Liêu, là biểu tượng bất khuất của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng. Trong những năm kháng chiến ác liệt, bà hy sinh hạnh phúc riêng bên gia đình, hết lòng vì sự nghiệp giải phóng của cả dân tộc. Những vần thơ thể hiện khát vọng tự do cháy bỏng bà viết gửi con trai vẫn còn gây xúc động tới tận bây giờ.

"Mẹ nguyện làm một chiến đấu viên

Mẹ chiến đấu cho ngày mai tươi sáng

Cho Bắc Nam thống nhất

Cho đất nước hòa bình

Cho mọi người no ấm, quang vinh"... 

 Tác giả: Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Thị Riêng.

Nhân dịp kỷ niệm non sông thu về một mối, tưởng nhớ nữ anh hùng Lê Thị Riêng – "Đóa sen thép" giữa bùn lầy tội ác - Ảnh 1.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Lê Thị Riêng (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Lê Thị Riêng, bí danh Hai Liên, sinh năm 1925 tại làng Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, trong một gia đình nông dân nghèo. Cha bà tham gia kháng chiến chống Pháp và mất tích, mẹ qua đời sớm, để lại cô bé Lê Thị Riêng khi đó vào cảnh mồ côi, được người chú ruột nuôi dưỡng. Dù hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ, bà đã sớm bộc lộ tinh thần yêu nước nồng nàn. Năm 1945, bà Lê Thị Riêng lúc đó vừa tròn 20 tuổi, được một nhà giáo hoạt động cách mạng giác ngộ. Bà bắt đầu tham gia cách mạng với công việc tại xưởng dệt Láng Tròn, nơi bà vừa lao động vừa tuyên truyền, vận động quần chúng.

Khi kháng chiến chống Pháp, bà trở thành cán bộ phụ trách phong trào phụ nữ ở miền Tây Nam Bộ. Thời gian này, bà khéo léo kết nối các tầng lớp phụ nữ cùng tham gia kháng chiến, làm công tác truyền tin, nuôi giấu cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng.

Năm 1948,  bà Lê Thị Riêng vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời bà. Từ đây, bà đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng, từ cán bộ Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Giá Rai, Phó Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc Miền Đông, đến Phó Hội trưởng Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam vào năm 1960. Với vai trò lãnh đạo, bà trực tiếp chỉ huy phong trào phụ nữ ở Sài Gòn – Chợ Lớn, góp phần lan tỏa ngọn lửa “Đồng khởi” từ Bến Tre ra khắp miền Nam.

Trong những năm tháng khói lửa, bà Lê Thị Riêng không chỉ là một chiến sĩ mưu trí, kiên cường mà còn là người lãnh đạo bản lĩnh. Năm 1965, bà được phân công làm Trưởng ban Phụ vận khu Sài Gòn – Gia Định, trực tiếp hoạt động trong lòng nội thành – nơi hiểm nguy luôn rình rập. Bà tổ chức, vận động phụ nữ tham gia cách mạng, xây dựng cơ sở bí mật, hỗ trợ lực lượng vũ trang, và lãnh đạo nhiều phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ.

Nhân dịp kỷ niệm non sông thu về một mối, tưởng nhớ nữ anh hùng Lê Thị Riêng – "Đóa sen thép" giữa bùn lầy tội ác - Ảnh 2.

Gia đình bà Lê Thị Riêng (Nguồn: Liên đoàn Lao động tỉnh Kon Tum)

Tình mẫu tử thiêng liêng giữa lằn ranh sinh tử

Bên cạnh hình ảnh người nữ chiến sĩ kiên trung, bà Lê Thị Riêng còn là một người mẹ, người vợ với tình yêu thương gia đình sâu sắc. Năm 1960, khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, bà quyết định gửi hai người con ra miền Bắc để học tập, rèn luyện, tạo điều kiện cho bà bám trụ chiến đấu ở miền Nam. 

Cùng năm đó, bà nhận tin dữ: Người chồng thân yêu, đồng chí Lê Văn Ba, hy sinh trong một trận đánh tại Đông Yên, xã Đông Hòa (tỉnh Biên Hòa cũ). Nỗi đau mất chồng khiến bà viết trong nhật ký: “Đời tôi đã trải qua lắm lần tang tóc như thế, nhưng không lần nào sâu nặng bằng lần này. Còn lại 2 con sống xa mẹ, chúng là nguồn hạnh phúc, là sức mạnh giúp tôi hăng hái đi lên, không bao giờ lùi bước”.

Những lá thư bà gửi cho con trai út, Lê Chí Công, qua bà Mai Khanh (phu nhân đồng chí Phạm Hùng), là minh chứng cho tình mẫu tử thiêng liêng. Trong bài thơ “Ước mơ” gửi con vào mùa xuân năm 1963, bà viết:

"Ước mơ

Tôi ước mơ, một ngày nào đâu đó Hà Nội ơi!

Cho tôi đến Thủ đô gặp hai con, tôi ôm cả vào lòng

Tôi siết mãi, không bao giờ buông ra nữa

Nhớ lắm rồi, bao năm trời chất chứa

Bóng hình con cứ lảng vảng đêm ngày

Bữa tiệc đời sao lắm vị chua cay

Mẹ đã chịu trong những ngày xa cách

Tôi ước mơ một ngày xuân thống nhất

Được gặp con, được ôm ấp vỗ về

Thèm thuồng nhìn đôi mắt trẻ ngây thơ

Bao hạnh phúc mẹ dồn về con cả

Nhưng con hỡi! Nước non còn chia cắt

Bởi kẻ thù tàn bạo gây nên

Bao gia đình tan nát điêu linh

Bao em bé phải đoạn tình mẫu tử

Màu đen tối sẽ lui về dĩ vãng

Vì toàn dân đã vùng dậy đứng lên

Mẹ nguyện làm một chiến đấu viên

Mẹ chiến đấu cho ngày mai tươi sáng

Cho Bắc Nam thống nhất, cho đất nước hòa bình

Cho mọi người no ấm, quang vinh

Cho con được hưởng trọn tình thương của mẹ".

Những dòng thơ ấy không chỉ thể hiện lý tưởng cách mạng cao đẹp mà còn là lời hứa của một người mẹ, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt, vẫn luôn hướng về con, về ngày đoàn tụ. Chiếc va li màu da bò – kỷ vật bà để lại – chứa đựng những lá thư tay, huy hiệu, và chiếc kính bà từng dùng, trở thành báu vật thiêng liêng đối với không chỉ ông Lê Chí Công, người con trai út của bà hiện vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.

Nhân dịp kỷ niệm non sông thu về một mối, tưởng nhớ nữ anh hùng Lê Thị Riêng – "Đóa sen thép" giữa bùn lầy tội ác - Ảnh 3.

Biểu tượng cho tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam

Ngày 9/5/1967, trên đường đi công tác tại khu vực chợ Đa Kao, Quận 1, Sài Gòn, bà Lê Thị Riêng bị tên phản bội Ca Vĩnh Phối nhận mặt và chỉ điểm. Bà bị mật vụ bắt giữ và đưa vào nhà tù. Tại đây, kẻ thù dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man – đánh đập, châm điện, nhấn nước, đốt xương ngón tay – nhưng không thể lay chuyển ý chí sắt đá của bà. Chúng chuyển bà từ Biệt đội 23 sang phòng thẩm vấn đặc biệt của mật vụ CIA Mỹ, rồi đến Tổng nha Cảnh sát, áp dụng mọi thủ đoạn từ tra tấn thể xác đến dụ dỗ, mua chuộc, nhưng bà vẫn kiên định, không khai nửa lời.

Trước sự bất khuất của bà Lê Thị Riêng, kẻ thù điên cuồng tìm cách thủ tiêu bà cùng hai tù nhân chính trị khác. Đêm ngày mùng 2 Tết Mậu Thân (1968), bà hy sinh anh dũng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng đội, gia đình, và nhân dân. Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế tại Berlin (Đức) đã gửi điện chia buồn, khẳng định: “Phụ nữ miền Nam Việt Nam đã đấu tranh vì lòng yêu nước… Tất cả phụ nữ trên thế giới sẽ chia sẻ nỗi đau đớn và phẫn nộ này”.

Cái chết của bà không làm phong trào cách mạng chùn bước, mà trái lại, trở thành ngọn lửa truyền cảm hứng cho bao thế hệ. Năm 2001, bà được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – một sự ghi nhận xứng đáng cho những hy sinh thầm lặng mà vĩ đại.

Tên bà được đặt cho nhiều con đường, công viên, trường học tại TP. Hồ Chí Minh và Bạc Liêu. Công viên Lê Thị Riêng tại TP. Bạc Liêu, nơi đặt tượng đài bà, là minh chứng cho sự trường tồn của tinh thần yêu nước và tình mẫu tử thiêng liêng. Tại Nhà truyền thống Quận 10, TP. Hồ Chí Minh, nhật ký và kỷ vật của bà được lưu giữ, là nguồn cảm hứng cho các thế hệ trẻ học tập, noi gương.

Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đã được sáng tác để tôn vinh nữ anh hùng Lê Thị Riêng. Đặc biệt, vở cải lương “Thiêng liêng tình mẹ” của tác giả Vưu Long Vĩ, đạt giải Nhì tại cuộc thi sáng tác năm 2018, đã khắc họa sống động cuộc đời và sự hy sinh của bà, làm lay động lòng người. Những câu chuyện về bà, được các nhân chứng như bà Phùng Ngọc Anh và cô Lệ Ngọc kể lại tại các trường học mang tên bà Lê Thị Riêng, đã nối kết quá khứ và hiện tại, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ.

Nhân dịp kỷ niệm non sông thu về một mối, tưởng nhớ nữ anh hùng Lê Thị Riêng – "Đóa sen thép" giữa bùn lầy tội ác - Ảnh 4.

(Nguồn: Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng)

Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng, tri ân những người anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do. Cuộc đời và sự nghiệp của nữ Anh hùng Lê Thị Riêng là bài học quý giá về lòng yêu nước, ý chí kiên cường, và tình yêu thương gia đình. Bà không chỉ là tấm gương sáng cho phụ nữ Việt Nam mà còn là nguồn cảm hứng cho mọi thế hệ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Trong bối cảnh đất nước đang vươn mình phát triển, lý tưởng cao đẹp của bà Lê Thị Riêng: "Cho Bắc, Nam thống nhất, cho đất nước hòa bình" nhắc nhở chúng ta về giá trị của hòa bình, về trách nhiệm gìn giữ và phát huy những thành quả mà các thế hệ cha ông đã đánh đổi bằng máu và nước mắt. Từ câu chuyện của bà, thế hệ trẻ hôm nay học được bài học về sự cống hiến, về lòng trung thực, và về tình yêu thương – những giá trị trường tồn vượt thời gian.

(Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, báo Công an Nhân dân, báo Bạc Liêu)

Xúc động thơ gửi con trai của nữ Anh hùng liệt sĩ Lê Thị Riêng: "Tôi ước mơ một ngày xuân thống nhất. Được gặp con, được ôm ấp vỗ về" - Ảnh 5.