Những ngày viết kế hoạch học tập, rồi chuẩn bị để phỏng vấn, hỏi han kinh nghiệm không biết bao nhiêu người, rồi hồi hộp chờ kết quả, tôi đã cảm thấy vô cùng háo hức và chờ đợi được đến Ý. Những ngày chờ đợi, tôi thường bật bài hát Italia 90 thời thơ bé lên nghe để cảm nhận sự nồng cháy, nhiệt tình trong lời bài hát và trong chính lòng mình.
Ngày bước chân được xuống sân bay Malpensa, lúc nhập cảnh xong, trong tôi òa lên một cảm giác hạnh phúc. Đến được rồi! Italia 90 của tôi!
Đã quen với chuẩn mực sạch sẽ khuôn vàng thước ngọc của xã hội công nghiệp Nhật, nơi mọi thứ phải chính xác đến từng giây, khi sang Ý mấy ngày đầu, tôi thấy đất nước này sao mà... lem nhem thế. Nhưng khi đã quen, đã cảm nhận được chất nghệ sĩ trong không khí họ thở, tôi lại thấy yêu sự phá cách, khác lạ này.
Đất nước của những cái Nhất và tâm hồn nghệ sĩ
Càng đi sâu vào tìm hiểu nước Ý, tôi càng thấy nước Ý và người Ý quả thực rất vĩ đại. Nước Ý là tập hợp của rất nhiều những cái NHẤT trong nhân loại: cái nôi của opera thế giới với giọng ca Lucianno Pavarotti nổi tiếng khắp thế giới nhiều thập kỷ; đất nước của những nhà thám hiểm giỏi nhất thế giới như Polo hay Columbus; đất nước sản sinh ra rất nhiều danh họa lừng danh nhất thế giới như Leonardo De Vinci, những thương hiệu hàng đầu thế giới như Dolce & Gabbana hay Valentino, đất nước của Fiat, Ferrari và Lamborghini.
Những cửa hàng thời trang sang trọng đậm chất Ý.
Biết đến nước Ý quá nhiều qua hội họa và thời trang dễ làm cho người ta quên mất rằng đây cũng là một trong những cường quốc vận tải, thương mại và ngân hàng trên thế giới (chủ nghĩa tư bản hiện đại bắt nguồn từ nước Ý).
Đi trên những con phố của Ý, người ta có thể cảm nhận thấy một tình yêu nghệ thuật dạt dào của người dân đất nước này. Bất cứ bức tường, góc phố nào cũng có thể trở thành nơi sáng tác nghệ thuật. Những bức graffiti khắp nơi, từ nhà ga bến tàu bến xe cho đến tường dọc phố, cửa cuốn, bất kỳ nơi nào người ta có thể vẽ được người ta sẽ vẽ.
Cảnh người dân hay du khách cho chim bồ câu ăn vô cùng quen thuộc.
Những cửa hàng bán hoa cũng góp phần tô điểm cho sự lãng mạn và bay bổng.
Ở Ý là nơi đầu tiên tôi thấy những cô gái da trắng, tóc vàng và xinh thực sự như công chúa truyện cổ tích; những chàng trai nhìn nam tính thời trang giống trên phim Hollywood. Nhiều lúc bật cười mà nghĩ: Trước khi đến Ý, thấy Brad Pitt và Tom Cruise đẹp trai, giờ đến Ý thấy Brad Pitt, Tom Cruise đầy đường, nhìn lại mấy vẻ đẹp kia thấy chẳng thấm gì so với trai Ý.
Cảnh sinh hoạt đời thường của dân Ý.
Chủ nghĩa và sự tự do cá nhân được tôn trọng hết mức có thể. Người Ý thường tự hào với người nước ngoài rằng: Người Ý có người giàu người nghèo, nhưng không có người nào ăn mặc, phối đồ một cách kệch cỡm cả. Có nhiều người không có tiền xài hàng hiệu, nhưng cách họ mặc đồ vẫn sẽ toát lên phong cách Ý.
Với cá nhân tôi, so sánh với những nước châu Âu đã từng đi qua, người Ý mặc đẹp nhất. Và trong lòng nước Ý, người Milan mặc đẹp hơn tất cả những nơi khác. Mỗi người dân Ý, ẩn sâu trong họ đã là những người nghệ sỹ về phong cách thời trang. Mỗi ngày đi ra đường là mỗi ngày khám phá thêm những phong cách trang trí, phong cách ăn mặc, những điều mới lạ mà nó sẽ đến dù chỉ là trên một tuyến metro.
Ga tàu ở trung tâm Milan.
Không khí trong metro (tàu điện ngầm) cũng cởi mở và dễ thở hơn rất nhiều so với Nhật. Người ta nói chuyện với nhau cởi mở, thoải mái. Ai nghe điện thoại cứ nghe miễn không nói quá to. Không thấy người ngủ thật sâu và đứng dậy khi đến bến như đã được lập trình sẵn ở Nhật.
Âm nhạc đường phố.
Và ở Ý, nơi đâu cũng thấy nghệ sỹ chơi đàn chơi nhạc, dù sáng sớm hay khi trời đã khá khuya. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác đang đi bộ trong bến metro và bỗng nhiên cảm thấy tâm hồn nhẹ bỗng bởi một tiếng nhạc tiếng hát của nghệ sỹ đường phố. Khi đang quá mệt mỏi bỗng nhiên tiếng nhạc như một làn gió mát thổi đến làm tâm hồn ta bớt khô cằn, ta thấy biết ơn người nghệ sỹ kia biết bao nhiêu. Và thường thì, để cảm ơn cho người ta, tôi vẫn gửi lại cho họ chút tiền nhỏ để ủng hộ.