Tháng 4, Nona Faustine tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên tại Bảo tàng Brooklyn ở thành phố New York (Mỹ). Tại đây, nữ nhiếp ảnh gia sinh năm 1977 giới thiệu đến người xem bộ ảnh White Shoes (Đôi giày trắng) mà cô dành hơn 10 năm tâm huyết thực hiện.

Xuyên suốt bộ ảnh, Faustine đi một đôi giày cao gót màu trắng xuất hiện tại các địa điểm trên khắp 5 quận của thành phố New York. Cô giải thích đôi giày trắng là biểu tượng cho những áp lực mà phụ nữ nói chung và các cô gái da đen nói riêng phải đối mặt khi tuân theo các tiêu chuẩn sắc đẹp phương Tây và chế độ phụ hệ của người da trắng.

Ý nghĩa ẩn sau hình ảnh người phụ nữ khỏa thân khắp New York - Ảnh 1.

Ý nghĩa ẩn sau hình ảnh người phụ nữ khỏa thân khắp New York - Ảnh 2.

Nona Faustine đang nhận được sự chú ý lớn từ giới mộ điệu với triển lãm White Shoes. Ảnh: Courtesy Brooklyn Museum.

Mở đầu hành trình mà người xem được trải nghiệm là bức ảnh chụp vào năm 2012, có tên gọi là Venus of Vlacke Bos ( Nữ thần Venus của Vlacke Bos , Vlacke Bos trong tiếng Hà Lan có nghĩa là Flatbush - tên khu dân cư ở New York). Trong ảnh, Faustine khỏa thân, trên người chỉ có giày cao gót và đôi găng tay, ngồi trên tấm vải lụa màu xanh trong studio, hai tay quanh trên đầu gối. Cô đội một chiếc vương miện trên đầu. Món trang sức này tượng trưng cho hoàng gia phương Tây và cách người da trắng đối xử với phụ nữ da đen làm nô lệ. Ngay từ đầu, nữ nhiếp ảnh gia muốn làm nổi bật chế độ nô lệ ở Brooklyn - theo ghi nhận, quận này ghi nhận số lượng nô lệ đông nhất ở phía bắc ranh giới Mason-Dixon (phân chia bốn tiểu bang Pennsylvania, Maryland, Delaware và Tây Virginia) vào năm 1790.

Faustine chia sẻ việc cô khỏa thân trong những hình ảnh đầu tiên ở White Shoes là quyết định có chủ ý để tưởng nhớ tổ tiên da đen. Cô lấy cảm hứng từ Saartjie “Sarah” Baartman, một phụ nữ Nam Phi bị bán sang châu Âu và được trưng bày như một phần của vườn thú con người vào đầu thế kỷ 19.

“Nếu nhìn lại lịch sử của người da đen trong nghệ thuật và nhiếp ảnh, bạn sẽ thấy rất có vấn đề. Tôi chưa bao giờ bước vào bảo tàng cho đến gần đây và nhìn thấy chính mình được khắc họa trên tường theo cách mà tôi muốn được thể hiện. Đây là cơ thể phụ nữ da đen đã sinh ra, sống sót, là một phụ nữ tự do và đang tôn vinh sự tự do, cơ thể và con người của mình theo cách cô ấy muốn được tôn vinh và miêu tả. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi bị đưa đến đây trong xiềng xích. Tôi không đóng vai nô lệ. Tôi là chính tôi, Nona Faustine, trong tất cả những hình ảnh này”, nghệ sĩ Mỹ gốc Phi chia sẻ với CNN .

Trong bức From Her Body Came Their Greatest Wealth ( Từ cơ thể cô ấy đến sự giàu có vĩ đại nhất của họ ) chụp năm 2013, Faustine đứng trên hộp táo ở giữa phố Wall trong trạng thái khỏa thân với sợi xích trên tay. Người phụ trách cấp cao của Bảo tàng Brooklyn, Catherine Morris, phân tích dáng đứng của Faustine toát lên sự tự tin của nhà hùng biện trước công chúng, đồng thời giống như tượng đài ở nơi người da trắng bán tổ tiên cô. Bức ảnh thể hiện niềm tin của nữ nhiếp ảnh gia đối với bản thân cũng như nêu bật những bi kịch lịch sử mà người da đen đã trải qua tại chính nơi cô đứng.

Cũng trong năm 2013, Faustine tự chụp bức ảnh cô khỏa thân đứng trước cửa Tòa án Tweed ở trung tâm thành phố New York. Tên gọi bức ảnh đã nói lên tất cả thông điệp mà cô muốn gửi gắm - They Tagged The Land With Trophies and Institutions From Their Rapes And Conquests (tạm dịch: Họ đánh dấu vùng đất với những chiến tích và thể chế có được từ những vụ hãm hiếp và xâm lược của họ).

Ý nghĩa ẩn sau hình ảnh người phụ nữ khỏa thân khắp New York - Ảnh 3.

Faustine khỏa thân đứng trước tòa án ở New York. Ảnh: Nona Faustine.

Càng về sau, Faustine mặc quần áo nhiều hơn - mô tả mang tính biểu tượng về sự chuyển động của thời gian và sự tiến bộ mà nhờ đó người da đen dành được tự do.

“Đó là du hành thời gian. Khi bạn thấy tôi ở đoạn cuối, tôi đã hoàn toàn kín đáo và quay trở lại hiện tại. Tôi du hành xuyên qua quá khứ và hiện tại một cách tượng trưng”, Faustine nói.

Từ những bức ảnh khỏa thân đứng bên ngoài văn phòng chính quyền thành phố, Brooklyn Borough Hall, và một sân chơi ở Phố Tàu, Faustine được nhìn thấy để ngực trần nhưng có chân váy trắng che thân dưới, cầm đạo cụ như một khẩu súng và tấm biển trích dẫn tên cuốn sách Ain’t I A Woman của nhà hoạt động da đen Sojourner Truth, tôn vinh những người đấu tranh cho việc bãi bỏ chế độ độc tài và chế độ nô lệ. Gần cuối hành trình, Faustine mặc một chiếc váy trắng và đội mũ rơm, tạo dáng quay lưng về phía người xem, chụp tại đảo Shelter - nơi có đồn điền bắt người châu Phi và người Mỹ bản địa làm nô lệ từ năm 1651 đến năm 1820. Trong bức ảnh cuối cùng, cô mặc trang phục thường ngày.

Thông qua triển lãm, Faustine mong khán giả đối mặt với những sự thật tàn nhẫn đã ăn sâu vào cấu trúc thành phố New York, đồng thời tôn vinh di sản của những người da đen đã gắn bó với nó.

“Tôi muốn mọi người hiểu chúng tôi đã đi được bao xa. Tôi muốn họ tự hào. Tôi muốn họ nhìn vào câu chuyện và biết về lịch sử của mình. Đây là một lịch sử đang bị kiểm duyệt và lên án trên khắp đất nước”, Faustine nhấn mạnh.

Ý nghĩa ẩn sau hình ảnh người phụ nữ khỏa thân khắp New York - Ảnh 4.

Bức When The Mind Forgets The Soul Remembers (Khi tâm trí quên đi linh hồn vẫn nhớ) chụp vào năm 2021 tại khu chôn cất nô lệ người châu Phi ở Bronx. Ảnh: Nona Faustine.

Faustine được làm quen với nhiếp ảnh từ cha và chú của cô. Họ tặng cho cô chiếc máy ảnh đầu tiên vào năm 4 tuổi, cũng tạo điều kiện để cô tham gia lớp học nhiếp ảnh sơ cấp ở trường tiểu học. Khi đang học cao học tại chương trình International Center of Photography (ICP) của Trường Đại học Bard (New York), Faustine bắt đầu thực hiện tác phẩm White Shoes .

“Tất cả kiến thức của tôi. Mọi thứ tôi biết về nhiếp ảnh, về lịch sử và cuộc sống đều là một phần của công việc. Trái tim và tâm hồn tôi nằm trong loạt ảnh đó. Đó là sự kết hợp giữa nhiếp ảnh nghệ thuật, ý niệm và tư liệu”, Faustine chia sẻ.

Trong nhiều thế kỷ, thành phố New York là minh chứng quan trọng cho chế độ nô lệ da đen. Từ những năm 1629, người Hà Lan sử dụng lao động nô lệ để xây dựng thuộc địa New Amsterdam thành thành phố sầm uất bậc nhất nước Mỹ hiện nay.

Nô lệ bị bán tại các chợ nô lệ ở Phố Wall trong thế kỷ 18. Đến năm 1730, 42% hộ gia đình da trắng trong thành phố có nô lệ là người da đen - tỷ lệ sở hữu nô lệ hộ gia đình lớn thứ hai nước Mỹ, chỉ sau Charleston, Nam Carolina.

Theo CNN