Từ bao đời nay, Tết Nguyên Đán là một trong những phong tục truyền thống, in sâu vào nếp sống và tâm trí của người phương Đông, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh là dịp để những người con xa xứ quay trở về đoàn tụ bên gia đình và đón chào một năm mới đến, Tết còn hàm chứa nhiều khía cạnh văn hóa đặc sắc được người Việt lưu giữ và truyền từ đời này sang đời khác.

Vào những ngày Tết, theo như phong tục truyền thống của ông bà ta trước nay, bên cạnh việc thờ cúng, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, đi lễ chùa bái Phật là một trong những hoạt động được người Việt ưu tiên để mong cầu một năm mới bình an, dồi dào sức khỏe và hy vọng những điều tốt đẹp nhất đến cho bản thân cũng như những thành viên trong gia đình. Họ thắp hương và thành tâm khấn vái để những mong muốn được chứng giám và trở thành hiện thực.

Và cũng theo phong tục, khi đứng trước bàn thờ tổ tiên cũng như Trời, Phật, chúng ta thường thắp 3 nén hương cũng như vái 3 lạy. Nguyên nhân của phong tục này là gì và lý do tại sao chúng ta phải làm như vậy, đến thời điểm này vẫn là điều khiến nhiều người thắc mắc. Đối với nhiều người, đó đơn thuần là một thói quen "tập mãi rồi thành" mà ông bà, cha mẹ, những thế hệ đi trước truyền lại cho con cháu.

Ý nghĩa thật sự đằng sau nghi thức dâng 3 nén hương, vái 3 lạy khi cúng tổ tiên, lễ chùa ngày Tết - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Nhưng theo các nhà nghiên cứu, việc thắp 3 nén hương có một nội hàm mang ý nghĩa sâu xa đằng sau. Theo quan niệm dân gian, số 3 là con số gắn liền với sự bền vững, chắc chắn và không có gì có thể lay động được. Không những thế, con số này còn là biểu trưng cho sự hăng hái, hòa hợp, hạnh phúc và mang trong mình ý nghĩa vô cùng tốt đẹp, được người phương Đông tin rằng đó là con số cực kỳ may mắn.

Còn theo quan niệm của Phật giáo, 3 nén hương trước Phật tượng trưng cho 3 phạm trù "giới, định, huệ". Nén hương thứ nhất được gọi là "giới hương" tức là trước mặt tượng Phật biểu đạt lòng quyết tâm của mình, từ bỏ thói quen xấu và ý nghĩ xằng bậy. Nén hương thứ hai được gọi là "định hương" hàm chứa niềm hy vọng rằng bất kỳ sự việc nào xảy đến thì bản thân đều có thể bình tĩnh mà xử sự. Nén hương thứ ba được gọi là "huệ hương" (hay "tuệ hương") có ý khẩn cầu bản thân có được trí tuệ, khai ngộ mà gặp được Phật tâm.

Như vậy có thể thấy rằng, thắp hương và bái Phật không phải chỉ là hành động "theo thói quen" hay hành động mang tính hình thức mà chính là thể hiện cái tâm của con người. Cho nên, người xưa có câu "không thắp hương, không bái lạy mà vẫn được phúc báo" ngầm ý rằng cái tâm của con người mới là yếu tố quan trọng nhất và được thần linh nhìn thấy rõ.

Đối với người Việt, việc vái 3 vái mang một ý nghĩa vô cùng sâu xa, liên quan mật thiết đến khía cạnh văn hóa và tín ngưỡng. Theo Phật giáo, để thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ với Đức Phật, chúng Phật tử sẽ chắp tay và cúi đầu lạy sát đất. Khi Phật giáo dần đi sâu vào đời sống người Việt thì nghi lễ này cũng lan tỏa sang các dịp khác như lễ cúng ông bà tổ tiên, lễ cúng các vị thần thánh…

Ý nghĩa thật sự đằng sau nghi thức dâng 3 nén hương, vái 3 lạy khi cúng tổ tiên, lễ chùa ngày Tết - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Ba vái trong quan niệm Phật giáo tượng trưng cho lễ ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Một lạy nhớ ơn, kính ngưỡng Đức Phật soi sáng, chỉ đường để chúng sinh thoát khỏi khổ đau luân hồi, tìm thấy an nhiên cực lạc. Lạy thứ hai tượng trưng cho Pháp – những lời vàng ý ngọc mà Phật truyền tụng lại, nguyện ý thực hiện những lời răn dạy quý báu để hướng tới chân tâm, học Phật soi mình. Lạy thứ 3 tượng trưng cho Tăng dẫn dắt chúng sinh trên con đường đạo, giúp chúng sinh gần gũi, thấu hiểu hơn với Phật pháp.

Khi lạy, người đứng thẳng, hai chân nép sát vào nhau, hai tay chắp lại nghiêm trang, thể hiện sự nhất tâm, chính tà hòa làm một, thiện ác không phân tranh. Khi cúi lạy chắp hai tay trước ngực, đưa cao lên quá đầu rồi từ từ quỳ xuống, đầu cúi sát đất, hai tay mở rộng ra hai bên. Lặp đi lặp lại như vậy 3 lần. Quan trọng nhất khi vái lạy là thành tâm, giữ tâm thanh tịnh, không màng tới thế sự, không suy nghĩ chuyện nhân sinh, thoát li cuộc sống toan tính đời thường, một lòng hướng về đấng tâm linh.

Việc tôn thờ tổ tiên, cúng bái, tưởng nhớ ông bà là tục lệ đã ăn sâu vào tâm khảm của nhiều người Việt Nam. Tục lệ này càng được biểu hiện rõ nét vào những ngày lễ Tết như một trong những nét văn hóa. Chịu nhiều ảnh hưởng của Phật giáo, nên việc thắp hương và vái lạy của người Việt không chỉ đơn thuần là một hành động được thực hiện theo thói quen mà trên hết nó còn bày tỏ lòng thành kính, tình yêu thương và sự biết ơn đối với những người đã khuất.