Nữ y tá ở Thượng Hải đã qua đời sau khi lên cơn hen suyễn và không được cấp cứu kịp thời tại bệnh viện nơi cô đang làm việc chỉ vì quy định phòng dịch Covid-19 đang được chính quyền thành phố triển khai.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nữ y tá Zhou Shengni công tác tại Bệnh viện Đông Thượng Hải đã bị suyễn nặng vào ngày 23/3. Gia đình đưa cô Zhou vô bệnh viện vào chiều cùng ngày. Nhưng theo thông báo chính thức từ Bệnh viện Đông Thượng Hải, thời điểm cô Zhou được đưa tới viện, phòng cấp cứu đang bị đóng cửa để khử trùng nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan của virus corona.
Sau đó, cô Zhou được chuyển tới Bệnh viện Renji nằm cách Bệnh viện Đông Thượng Hải khoảng 5km để điều trị. Rất tiếc, nữ y tá sau đó đã qua đời.
“Cô Zhou là một nhân viên chăm chỉ và là một y tá giàu kinh nghiệm. Cái chết của cô Zhou là sự mất mát đối với bệnh viện”, thông báo của Bệnh viện Đông Thượng Hải nhấn mạnh.
Thành phố Thượng Hải đang phải chiến đấu với đợt bùng phát Covid-19 mạnh nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện vào năm 2020. Khi các biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt được thi hành, cư dân thành phố phàn nàn nhiều bệnh nhân đã không được điều trị kịp thời tại bệnh viện, và việc phong tỏa các khu dân sinh khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Thượng Hải chưa có bất cứ ca tử vong nào do nhiễm virus corona trong đợt Covid-19 bùng phát lần này. Song cái chết của nữ y tá Zhou đã phần nào cho thấy những biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch cứng nhắc mà chính quyền thành phố đang thi hành.
Cụ thể, hôm 24/3, 39 bệnh viện và phòng khám tại 13 quận của thành phố Thượng Hải đã bị đóng cửa trong quá trình thi hành các biện pháp phòng dịch, theo Ủy ban Y tế Thượng Hải.
Tại nhiều thành phố khác, chính quyền các địa phương từng nhấn mạnh họ sẽ đảm bảo chăm sóc y tế khẩn cấp cho người già, phụ nữ mang thai và các đối tượng khác, cũng như duy trì hoạt động của các đường dây nóng y tế để giải quyết vấn đề kịp thời. Tuy nhiên, dư luận Trung Quốc đã lên tiếng phàn nàn về công tác quản lý yếu kém, cùng tình trạng thiếu nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công cộng, và phong tỏa lỏng lẻo.
Hồi tháng Một, 2 sản phụ ở thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây của Trung Quốc đã bị mất con do các quy định liên quan tới công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 gây cản trở cho hoạt động cấp cứu và điều trị. Sau quá trình điều tra, quản lý của một bệnh viện đã bị cách chức và 2 nhân viên y tế bị sa thải.
Trong ngày 25/3, Thượng Hải xác nhận có thêm 29 ca mắc Covid-19 và 1.580 ca nhiễm virus corona không phát triệu chứng. Tính tổng thể, trong ngày 25/3, Trung Quốc có thêm 1.301 ca mới mắc Covid-19 và 3.489 trường hợp không phát triệu chứng. Phần lớn ca mắc Covid-19 đang nằm ở tỉnh Cát Lâm, nơi phải chiến đấu với dịch bệnh trong vài tuần qua.
Cũng trong sáng 25/3, ông Wu Jinglei, Giám đốc Ủy ban Y tế Thượng Hải, đã gửi lời chia buồn tới gia đình của nữ y tá Zhou, và khẳng định sẽ có thêm biện pháp hỗ trợ tăng cường và đảm bảo quyền lợi đối với các nhân viên y tế.
“Trong hơn 2 năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây, các nhân viên phòng dịch tuyến đầu của thành phố đang phải làm việc chăm chỉ, không ngừng nghỉ để chiến đấu với sự mệt mỏi thể chất và áp lực tâm lý”, ông Wu nói.
Ông Wu thừa nhận Thượng Hải vẫn đang trong giai đoạn khó khăn nhất và quan trọng nhất trong quá trình phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19.
Hồi tháng 9/2021, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc từng lên tiếng ca ngợi sự thành công của mô hình chống dịch Covid-19 của thành phố Thượng Hải. Song hiện tại, Thượng Hải đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi Covid-19 xuất hiện khi liên tục có ca mới mắc bệnh hàng ngày trong tháng này.
Trong tuần này, nhà dịch tễ học nổi tiếng tại Trung Quốc Zhang Wenhong đã kêu gọi các cơ quan chức năng bảo vệ cuộc sống hàng ngày và sinh kế của người dân được diễn ra bình thường. Bởi theo ông Zhang, duy trì nhịp sống bình thường là điều quan trọng trong quá trình thi hành chính sách “zero Covid-19 linh hoạt”.
Trên thực tế, chính quyền nhiều địa phương ở Trung Quốc đang đối mặt với gánh nặng tài chính ngày càng lớn khi thi hành chính sách “zero Covid-19” (không ca nhiễm Covid-19).
Chính sách "không ca nhiễm Covid-19" tại Trung Quốc tập trung vào thi hành lệnh phong tỏa, xét nghiệm đại trà và cách ly tại các cơ sở của chính quyền.
Tuy nhiên, chi phí cho chiến lược chống dịch đang ngày càng gia tăng. Vào năm 2020, chính phủ trung ương Trung Quốc phân bổ ngân sách để hỗ trợ chính quyền các địa phương dập dịch. Nhưng nhiều địa phương ở Trung Quốc cho biết họ đã tự chống dịch bằng ngân sách riêng kể từ năm ngoái.