Khi tình yêu "ngủ quên"
 
Câu hỏi thường được các nhà tư vấn nêu ra với những đôi vợ chồng đang có ý định ly hôn là: “Sau khi chia tay, anh hay chị có định ‘đi bước nữa’ không?” và họ yêu cầu từng người trả lời riêng. Đa số nói lúc này họ không nghĩ tới điều đó nhưng một số người thú nhận: “Có thể tôi sẽ tái hôn nếu gặp người tôi yêu”.
 
Vậy lẽ nào cuộc hôn nhân hiện tại họ lấy nhau không phải vì tình yêu? Thời đại ngày nay, ai bắt được ai lấy vợ, lấy chồng trừ khi chính họ muốn? Vậy phải chăng tình hai ta đã lụi tàn trong cuộc hành trình gian nan của hôn nhân và nếu không kịp thời nhen nhóm lại có thể chúng ta sẽ đi vào cái vòng luẩn quẩn: yêu nhau - cưới nhau – chán nhau – ly hôn. Có khác chăng chỉ là thay đối tượng kết hôn này bằng một đối tượng khác.
 
Từ trước đến nay, chúng ta thường cứu vãn hôn nhân bằng phương pháp hòa giải, nặng nề phân tích anh sai chỗ nào, chị đúng chỗ nào, nhằm thức tỉnh lý trí của mỗi người, giúp họ nhận thức được chỗ sai của mình và động viên họ cố gắng sửa chữa để sống hòa thuận với nhau.
 
Nhưng thông thường trong trạng thái tức giận, người ta khó nhận thấy cái sai của mình và vì thế chỉ muốn người kia phải thay đổi theo ý họ. Kết quả là sau khi các nhà hòa giải đi khỏi, họ chuyển sang “chiến tranh lạnh” và một thời gian sau lại nung nấu ý định ly hôn.
 
Cho nên việc khôi phục tình yêu là một mũi tên nhằm hai mục tiêu. Nếu tình yêu vợ chồng được phục hồi thì tự khắc mâu thuẫn cũng được giải quyết. Vấn đề là tình yêu tàn lụi có khôi phục được không? Hay nhiều khi nó chỉ ngủ quên, có thể đánh thức được? Muốn trả lời câu hỏi đó trước hết phải hiểu cơ chế tâm lý của tình yêu. Đó không phải là lý trí mà thuộc phạm trù tình cảm.
 
Trong mỗi chúng ta ai cũng có những nhu cầu cảm xúc mà nếu được đáp ứng thì ta hạnh phúc và nếu không được đáp ứng thì ta đau khổ. Nói một cách đơn giản, muốn khôi phục tình yêu phải biết người bạn đời có nhu cầu gì và đáp ứng đúng cái đó, như các cụ nói “gãi đúng chỗ ngứa”. Nhưng khi tình yêu hai ta đã lụi tàn thì thông thường người ta không biết người kia muốn gì.
 
Niềm tin bị đánh cắp chỉ vì... đa nghi

Chị Liên ở Nghệ An nhiều lần gọi điện thoại đường dài đến chuyên gia tâm lý ngoài Hà Nội vì nỗi đau có chồng ngoại tình. Nhưng những bằng chúng mà chị đưa ra không thuyết phục, hầu hết chỉ là những nghi ngờ. Từ đó chị truy hỏi chồng không ngớt. Chị xét nét từ cái ăn, cái mặc, chị cần một dấu vết khả nghi là chỉ tưởng tượng ra đủ thứ. Tại sao chồng lại có một vết bầm tím ở mạng sườn? Theo chị giải thích, đó là vết tích của một cuộc ái ân cuồng nhiệt mà anh đã bị “đối phương” trong khi quá phấn khích véo vào đó quá mạnh.

Một tin nhắn gửi đến điện thoại di động của anh là “Mọi hôm chỉ được có 3, hôm nay em được 5”. Chị hỏi nhà tư vấn câu ấy có nghĩa là gì khiến chuyên gia cũng phải “sài lắc”. Rồi chị tự giải mã câu đó là người tình của chồng muốn nói với anh rằng hôm nay cô ta đạt được 5 lần “cực khoái” chứ không chỉ có 3 như mọi khi. Cứ thế chị tra hỏi đến sáng khiến chồng muốn phát điên, nếu không ly dị thì cũng đến bị thần kinh. Thử hỏi nếu người vợ này cứ ngăn chặn ngoại tình kiểu đó thì cuộc hôn nhân của họ sẽ đi đến đâu?

Một người đàn ông 41 tuổi nhìn đồng hồ thấy 5 giờ 30 vợ mới đi làm về đến nhà. Theo anh ta, người vợ tan sở lúc 4 giờ 30 mà đi đường chỉ hết nửa tiếng, vậy còn 30 phút nữa đi đâu? Chị giải thích là vào siêu thị mua thức ăn. Anh ta xăm xoi cái yên xe một lúc rồi tra hỏi sao không có vết phấn của người trông xe? Chị nói là người ta cài giấy vào gương xe mà không ghi bằng phấn. Anh ta bắt phải dẫn ra siêu thị đó xem có thật như vậy không?

Có thể nói tất cả những người vợ, người chồng làm như vậy chẳng khác gì tự phá hủy tình yêu của họ. Cho dù khi mới kết hôn họ có yêu nhau như thế nào thì cái tình hai ta ấy cũng không thể chịu nổi những cuộc tàn phá như thế này. Đâu phải cứ kiểm tra xét hỏi gắt gao là ngăn chặn được ngoại tình. Muốn chiến thắng được tình yêu này phải thay thế nó bằng tình yêu khác.
 
Cái mà người bạn đời của họ cần nhất lúc này là gì? Đó là lòng tin. Nếu lúc nào đó cũng coi như kẻ tội phạm chỉ chưa bắt được quả tang thôi thì làm sao khôi phục được tình yêu. Mà khi hôn nhân đã không có tình yêu thì sự chung sống với nhau còn có ý nghĩa gì? Cho nên khi vợ chồng mâu thuẫn, bạn đừng lạnh lùng “giải phẫu” mối quan hệ xem người này sai chỗ nào, người kia đúng ra sao?
 
Những khoảng riêng quý giá

Điều quan trọng nhất là lắng nghe để biết đối tượng muốn gì và hãy cố gắng đáp ứng điều họ mong muốn. Điều đó nhiều khi không phải quá cao đến nỗi ta không thể đáp ứng nổi mà chỉ vì ta không biết. Trong thực tế có những nhu cầu rất đơn giản hoàn toàn có thể đáp ứng chẳng mấy khó khăn chỉ có điều ta không nhận ra đó thôi. Chẳng hạn có người chồng chỉ mong muốn vợ đừng nói quá nhiều để anh ta được yên tĩnh nghỉ ngơi hay làm việc. Có người vợ chỉ muốn chồng hãy tỏ ra quan tâm đến mình đôi chút, đi đâu về biết hỏi han, ngày lễ tết, có bông hoa làm quà.

Hầu hết những nhu cầu đó không đòi hỏi vượt quá khả năng của bạn mà hoàn toàn là những điều trước đây bạn đã từng làm khi hai bạn còn tình yêu với nhau. Nên nhớ rằng muốn cho người bạn đời hạnh phúc, bạn đừng làm những cái bạn muốn mà hãy làm những cái người bạn đời muốn.
 
Ngay trong quan hệ chăn gối cũng vậy, hãy “yêu” theo cách người vợ hay chồng thích chứ không phải theo cách mình thích. Chúng ta thường nói vợ chồng muốn hạnh phúc phải biết sống vì nhau, phải chiều chuộng nhau một chút nhưng trước hết phải hiểu nhau, nếu “gãi không đúng chỗ ngứa” có khi chỉ làm người kia bực mình hơn và mâu thuẫn lại càng thêm căng thẳng.
 
Thế mới biết, muốn làm cho người bạn đời hạnh phúc không khó, cái khó là phải trò chuyện thân mật hàng ngày, làm sao luôn gần gũi nhau để biết họ muốn gì và đáp ứng đúng những mong muốn của họ. Trong sổ nhật ký đàm thoại của một trung tâm tư vấn tâm lý hôn nhân ở Hà Nội, không ít phụ nữ vô cùng phẫn nộ khi phát hiện chồng cô có “bồ”.
 
Điều đau đớn nhất của họ không phải vì chồng không chung thủy mà khi họ đến tận nơi, gặp tận kẻ tình địch họ vô cùng ngạc nhiên. Kẻ đó không hơn họ về nhan sắc hay tài năng, có khi cả tuổi trẻ cũng không. Có chị nói: “Chẳng thà anh ấy “bồ bịch” với một người hơn tôi đã đi một nhẽ. Nhưng bây giờ quả thực tôi không hiểu nổi chồng tôi là loại người thế nào. Hình như anh ta chỉ cần một người đàn bà khác không phải là tôi. Bên cạnh nỗi đau, đối với tôi còn là một nỗi nhục”.
 
Những người phụ nữ đó thường không biết rằng chồng họ và kẻ tình nhân kia trước khi đi đến tình yêu phải có những buổi trò chuyện tâm tình ở những nơi vắng vẻ chỉ có hai người trong bầu không khí thân mật và vì thế họ hiểu hết những nhu cầu cảm xúc của nhau, họ làm được những điều mà người vợ không làm được.
 
Từ đó các nhà tâm lý hôn nhân hiện đại cho rằng vợ chồng phải có những khoảng thời gian dành riêng cho nhau không được có người thứ ba, kể cả con cái. Chỉ có như thế mới bộc lộ được nhiều khát khao thầm lặng của mỗi người và nếu đáp ứng được những khát khao ấy thì mâu thuẫn tiêu tan, tình yêu sẽ hóa giải tất cả và hôn nhân lại trở nên hạnh phúc.
 
Không có tình yêu, hai người chỉ dính với nhau lỏng lẻo, va đập dẫu nhỏ cũng có thể gây ra đổ vỡ tan tành. Hóa ra sự hiền lành, độ lượng mới là chất keo kết dính hôn nhân chứ đâu phải sự ghê gớm, thậm chí ác độc.
Theo Hạnh phúc gia đình